Jimmy Cherizier, người đứng đầu nhóm G9 gồm 9 băng đảng tại Haiti, hôm 10/7 đã cáo buộc cảnh sát và các chính trị gia đối lập thông đồng với "giai cấp tư sản" để "hy sinh" Tổng thống Moise, Reuters đưa tin.
"Đó là một âm mưu mang tầm quốc gia và quốc tế chống lại người dân Haiti", ông nói trong video. "Chúng tôi nói điều này để vận động mọi người xuống đường nhằm làm sáng tỏ về vụ ám sát tổng thống".
Người Haiti tập trung sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise ở thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Đệ nhất phu nhân Martine Moise đã cáo buộc những người muốn ngăn chặn sự thay đổi dân chủ tại Haiti đứng sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise.
Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince hôm 7/7. Bà Martine cũng bị thương trong cuộc tấn công.
Giới chức Haiti cho rằng một đơn vị sát thủ được đào tạo chuyên nghiệp, gồm 26 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti, đứng sau vụ ám sát.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ khi gia đình của hai nghi phạm người Colombia cho biết họ đã được thuê đến Haiti làm vệ sĩ trước đó.
Cựu Nghị sĩ Alfredo Antoine nghi ngờ vụ giết người có liên quan đến các nhà tài phiệt Haiti, những người đã bày tỏ tức giận sau khi ông Moise cố gắng chấm dứt tình trạng các công ty độc quyền cung cấp hợp đồng béo bở cho giới thượng lưu.
“Họ đã giết ông ấy vì không muốn lợi ích của mình (bị tổn hại)”, ông tuyên bố.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt ở quốc gia nghèo nhất châu Mỹ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Hiện Haiti không có tổng thống hay quốc hội, trong khi đó có tới hai thủ tướng.
Hôm 9/7, người được ông Moise bổ nhiệm làm thủ tướng trước khi vụ ám sát xảy ra, ông Ariel Henry, đã tuyên bố quyền lãnh đạo Haiti, chống lại Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph.
Cuộc tranh giành quyền lực đã tạo ra sự bối rối không biết ai là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước 11 triệu dân.
Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre cho biết Thủ tướng lâm thời Joseph sẽ tiếp tục vị trí của mình cho đến khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ngày 26/9.