Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT có những chia sẻ về công tác trọng tài. |
- Theo đánh giá của ông, vì sao trọng tài V.League liên tiếp mắc sai sót khiến nhiều đội bóng bức xúc?
- Thực ra, trọng tài ở cấp độ nào cũng có tỷ lệ sai sót, khó có thể đòi hỏi trọng tài bắt chính xác tuyệt đối. Trọng tài có sai sót nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan là họ gặp nhiều khó khăn khi áp lực ngày một lớn, trong khi phải đưa ra quyết định trong tích tắc.
Trình độ chuyên môn, thể lực của các cầu thủ V.League ngày một tiến bộ, cộng thêm sự tham gia của các cầu thủ ngoại cũng đưa tốc độ các trận đấu nhanh hơn, các pha tranh chấp quyết liệt dẫn đến có tình huống trọng tài bỏ sót, xử lý thiếu chính xác. Không loại trừ trọng tài có vấn đề tư tưởng, đối với những sai sót kiểu này, Tổng cục TDTTT và VFF kiên quyết xử lý mạnh tay.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho rằng việc thuê trọng tài ngoại chỉ là giải pháp nhất thời. |
- Theo ông, cần có những giải pháp nào để nâng chất lượng đội ngũ trọng tài nội?
- Cái yếu nhất của đội ngũ trọng tài Việt Nam là ngoại ngữ. Tổng cục và VFF sẵn sàng cử các trọng tài tốt ra nước ngoài tham gia các lớp tập huấn nâng cao, các khóa học do FIFA mở, nhưng số lượng trọng tài đảm bảo trình độ ngoại ngữ để theo học là không nhiều. Hiện nay, những người có đủ khả năng cập nhật kiến thức mới giảm sút.
Để nâng chất lượng đội ngũ trọng tài, theo tôi cần những giải pháp đồng bộ như kết hợp đào tạo, nâng cao chế độ đãi ngộ, tăng cường tung các gương mặt tiềm năng cọ xát ở những sân chơi chất lượng từ quốc nội đến những giải quốc tế để tích lũy dần kinh nghiệm.
Một số quốc gia châu Á cũng có giải pháp mời những trọng tài hàng đầu thế giới về làm phụ trách công tác đào tạo, giám sát, phân công đội ngũ trọng tài nội. Chúng tôi cũng tính đến khả năng mời những trọng tài, chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhưng với điều kiện của Việt Nam, không dễ để làm điều này.
Theo ông Thắng, trọng tài nội đã đánh mất dần niềm tin từ các đội bóng và khán giả. |
- Ông từng chia sẻ trọng tài ngoại về bắt giải của ta cũng mắc sai lầm, nhưng không bị phán xét vì họ được cho là khách quan, trong sạch. Vậy làm thế nào để trọng tài nội cũng được hưởng đặc ân như vậy?
- Những năm 1990, bóng đá Việt Nam tiêu cực rất nhiều, các vụ bán độ làm mất niềm tin của người hâm mộ. Để lấy lại niềm tin của khán giả cần có thời gian, các đội bóng, cầu thủ, đội ngũ trọng tài là những người quyết định vấn đề đó. Đội ngũ trọng tài phải nâng cao trình độ, làm trong sạch, nâng cao đạo đức tư tưởng của mình. Ngoài ra, cần tuyên truyền để những người làm bóng đá, người hâm mộ hiểu rõ những quy định của luật bóng đá.
"FIFA phải dùng công nghệ để phân tích tình huống nhạy cảm. Điều đó chứng tỏ nếu chỉ dựa vào cảm quan, có thể xảy ra sai sót. Vấn đề là trọng tài ngoại có lỗi vẫn được thông cảm, trong khi trọng tài nội lại bị suy đoán có vấn đề tư tưởng",
ông Vương Bích Thắng.
- Một số chuyên gia nhận định trình độ của nhiều trọng tài nội hiện nay không đủ để điều hành các trận đấu V.League và cần thuê trọng tài ngoại thay thế để đảm bảo giải đấu thành công. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Những mùa giải qua, V.League cũng đã mời một số trọng tài từ Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á đến điều hành những trận đấu quan trọng. Việc sử dụng trọng tài ngoại có nhiều thuận lợi nhưng cũng có bất lợi. Ví dụ vấn đề kinh phí khá tốn kém nên ban tổ chức mới chỉ thuê ở một số trận đấu.Hơn nữa, trọng tài ngoại không phải là giải pháp lâu dài cho bóng đá Việt Nam. Nếu giao hết cho trọng tài ngoại thì trọng tài nội còn đâu cơ hội nâng cao trình độ. Thực tế trên sân thiên biến vạn hóa, điều quan trọng là cách vận hành luật ra sao mà những điều đó chỉ có thể vỡ ra qua những kinh nghiệm thực tế. Việc thuê trọng tài ngoại ở mức độ nào cần cân nhắc trên điều kiện tài chính cũng như định hướng dần nâng cao trình độ trọng tài trong nước.
Về lâu dài, các trọng tài Việt Nam cần tự ý thức nâng cao trình độ bản thân, thi lấy bằng cấp của FIFA để có cơ hội tham gia điều hành nhiều giải đấu quốc tế.
- Dư luận râm ran chuyện các trọng tài vẫn nhận được quà từ đội bóng, nhỏ nhất là việc họ được thanh toán tiền sinh hoạt dù đã có ban tổ chức lo việc đó. Tổng cục TDTT và VFF giám sát sự trong sạch của các trọng tài bằng cách nào?
- Trong vấn đề tiêu cực, điều cơ bản nhất là phải có bằng chứng. Muốn phát hiện được thì không có cách nào khác là phải tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương, đội bóng, trọng tài thực hiện nghiêm quy định. VFF cũng thường xuyên có những chương trình phối hợp với Bộ Công an, đơn vị có những biện pháp nghiệp vụ để thực hiện điều đó. Nếu phát hiện ra những chuyện tiêu cực, họ sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.