Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trọng tài V.League: Thu nhập tốt, sai sót tăng

Một trọng tài V.League có thể kiếm được 20 triệu đồng/tháng, nếu có 4 trận bắt chính và ngồi bàn. Đây là mức thu nhập không phải thấp trong bối cảnh đó là nghề tay trái của họ.

Những trọng tài ở V.League càng ngày càng nhận được nhiều hỗ trợ nhưng không thể giảm thiểu sai sót. Ảnh: Nguyễn Đăng

Hai năm nay, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) giữ nguyên chế độ cho các trọng tài tại V.League. Theo đó, trọng tài chính nhận 6 triệu đồng/trận; trợ lý và trọng tài bàn nhận 4 triệu đồng/trận (trước thuế). Nếu bắt chính 2 trận, 2 trận ngồi bàn trong một tháng, một trọng tài có uy tín có thể nhận 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, tiền ăn ở, đi lại trong những ngày điều hành các trận đấu đều có ban tổ chức giải lo.

Không kém khi đi làm nhiệm vụ quốc tế

Con số này cho thấy rằng, trọng tài V.League có mức thu nhập ổn định, thậm chí là cao bởi hầu hết những người cầm còi đều xem đó là nghề tay trái. Họ còn ăn lương từ công việc chính của mình, thường là giáo viên thể chất, cán bộ ở các Trung tâm TDTT, giảng viên Đại học…

So với những năm trước, đội ngũ cầm còi tại V.League còn được hỗ trợ tối đa. Ngoài bộ đàm để liên lạc, kể từ vòng 3 V.League 2016, họ còn được trang bị bình xịt tự hủy, giúp họ điều khiển các trận đấu tối đa. Họ cũng không quá lo lắng về việc gặp chấn thương (chuyện rất hi hữu) khi làm nhiệm vụ khi VPF đã bắt tay với công ty bảo hiểm Hùng Vương…

Ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF thừa nhận chế độ cho trọng tài năm nay không cao như cách đây vài năm (trọng tài chính 8 triệu đồng/trận) nhưng nó ổn định trong bối cảnh bóng đá V.League không có nhiều nguồn thu. Ông cũng tiết lộ con số 6 triệu đồng/trận hiện tại ngang ngửa khi một số trọng tài Việt Nam đi làm nhiệm vụ quốc tế.

Thuận lợi đủ đường, nhưng các ông vua sân cỏ lại mắc quá nhiều sai sót ở mùa giải năm nay. Gần như ở vòng đấu nào, các đội bóng cũng phải ca thán vì cách cầm còi của những ông vua áo đen. Mức độ sai sót của họ ngày càng tăng khi V.League ở giai đoạn nước rút.

Sai sot cua trong tai o V.League anh 1
Trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng bị nhiều đội phàn ứng ở V.League. 

Trọng tài FIFA mắc sai lầm, trận đấu không được đá lại

Trận đấu Khánh Hòa 0-1 Quảng Nam chiều 30/7 được giữ nguyên tỷ số, dù trọng tài Phùng Đình Dũng thừa nhận đã sai khi tước 1 bàn thắng của Khánh Hòa.

Sai phạm của trọng tài Hà Anh Chiến (trận Thanh Hóa vs SLNA ngày 8/5/2016) có thể xem là án điểm bởi Ban tổ chức và Ban trọng tài đã vào cuộc rất nhanh, xử lý êm thấm để dẹp yên dư luận. Nhưng quyết định của ông Chiến dù làm sai lệch kết quả trận đấu nhưng dù sao đó là lỗi nhận định. Nó khác hẳn với quyết định của Phùng Đình Dũng (không công nhận bàn thắng của Sanna Khánh Hòa vì… sai luật). Cần biết rằng, ông Dũng là 1 trong 5 trọng tài FIFA của Việt Nam và có kinh nghiệm 12 năm cầm còi.

Sai lầm của ông khó lòng được tha thứ, tô đậm thêm những nghi ngại về việc các trọng tài V.League có vấn đề “tư tưởng”. VPF và Ban trọng tài phủ nhận điều này nhưng không có căn cứ chắc chắn. “Trọng tài sai tư tưởng, tôi nghĩ là không có đâu. Tại vì bản thân anh em trọng tài đa số đều có công việc khác, chủ yếu trong các cơ quan Nhà nước. Nếu như anh em mà dính đến chuyện này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của giải, lực lượng trọng tài mà còn ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, công việc chính mà họ đang làm”, ông Cao Văn Chóng, VPF cho biết.

Trọng tài V.League năm nay sai sót nhiều, một phần vì áp lực dư luận quá lớn, đôi lúc các đội bóng còn dựng chuyện để đổ lỗi cho họ.

Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.

Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi thừa nhận sai số của đội ngũ cầm còi năm nay nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên, các đội bóng và người hâm mộ khó lòng trông chờ vào những thay đổi tích cực ở phần còn lại của mùa giải, bởi những giải pháp mà Ban tổ chức đưa ra đều rất… chung chung.

“Để hạn chế những thiếu sót trong điều hành trận đấu, Ban trọng đã yêu cầu các giám sát tổ chức cuộc họp vào tối ngày hôm trước với các nội dung : Ôn lại các điều luật, phương pháp, rút kinh nghiệm những thiếu sót của vòng đấu trước,với mục đích giúp cho các trọng tài có sự chuẩn bị tốt nhất…”, Trưởng ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam Nguyễn Minh Ngọc trả lời Zing.vn. Bên cạnh đó, những người nhiều kinh nghiệm sẽ được phân công điều khiển những trận cầu đinh. Phương án trọng tài ngoại cũng được xúc tiến.

Làm trọng tài ở V.League sướng hay khổ?

Một cựu trọng tài danh tiếng ở V.League, giờ đã làm giám sát tỏ ra thông cảm cho những đồng nghiệp của mình khi họ chịu quá nhiều sức ép, đặc biệt từ giới truyền thông, dư luận. “Sai sót của những trọng tài Việt Nam thậm chí còn nhỏ hơn thế giới. Như tại Euro vừa rồi nhiều người còn sai phạt đền, sai những tình huống dẫn đến bàn thắng nhưng truyền thông nói rất nhẹ nhàng, trong khi ở Việt Nam chỉ cần một lỗi nhận định sẽ liên tục bị nói đến như những ngày qua”, ông cho biết.

Ông chỉ ra trường hợp của trọng tài Ngô Duy Lân, người đã có quyết định không công nhận bàn thắng đầy tranh cãi ở trận Đồng Tháp vs QNK Quảng Nam ngày 16/7. “Quyết định của trọng tài ở pha bóng này rất khó khăn vì không có 2 trợ lý đứng sau cầu môn hỗ trợ, tuy nhiên dư luận lại đánh giá trọng tài đã “cướp” đi bàn thắng của QNK Quảng Nam. Trong khi trận Anh vs Đức ở World Cup 2010, Lampard đưa bóng qua vạch vôi 50 cm nhưng mọi người phản ứng khá nhẹ nhàng, đổ lỗi do bóng bay quá nhanh”, cựu trọng tài này phân tích.

Sai sot cua trong tai o V.League anh 2
Hình ảnh phản cảm khi Fagan vái lạy trọng tài Võ Minh Trí khi Hải Phòng của anh thua Than Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Lê

Ngoại binh V.League vái lạy trọng tài là giọt nước tràn ly

Đó là quan điểm của BLV Quang Huy sau khi Stevens và Fagan của Hải Phòng vái lạy trọng tài Võ Minh Trí trong trận đấu Quảng Ninh 3-1 Hải Phòng chiều 31/7.

Sai sót của những trọng tài ở bất cứ giải đấu nào cũng có, nhưng ở Việt Nam nó trở nên nghiêm trọng với cách xử lý vụng về của ban tổ chức. SLNA mất một trận thắng trước Thanh Hóa, đã được ban tổ chức gửi công văn xin lỗi. Ngược lại, đội bóng xứ Thanh, thua oan một bàn trước QNK Quảng Nam, thì không. S.Khánh Hòa uất ức vì hai lần bị từ chối bàn thắng oan uổng nhưng cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Một số ông vua áo đen liên tục bị các đội phản ứng nhưng Ban trọng tài không công khai, minh bạch cách xử lý khiến dư luận liên tục bị đặt trong những hoài nghi. Những điều đó, cộng với xu hướng đổ lỗi cho trọng tài của các đội bóng khi nhận kết quả bất lợi khiến họ trở thành tấm bình phong để che khuất sự yếu kém trong công tác tổ chức, hay chuyên môn của các CLB.

Công việc nào cũng có những đặc thù, áp lực không riêng gì "nghề" trọng tài. Nhưng mùa nào, họ cũng thành tâm điểm, chỉ trích vì sai sót thì họ phải xem lại mình. Thật khó chấp nhận khi mùa nào, họ cũng được tập huấn đầu mùa, giữa mùa, hỗ trợ hết mình... nhưng năng lực không được cải thiện.


Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm