Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trọng tài thiếu và yếu để sai lầm xuất hiện nhiều ở V.League

Không có những trọng tài kinh nghiệm trong khi nhiệm vụ ở V.League mùa giải 2020 khó khăn và nặng nề gấp bội, nên sai lầm của trọng tài vì thế là điều không quá khó hiểu.

Trong tai V.League anh 1

Những tình huống “bỏ bóng đá người” của cầu thủ Hải Phòng trước HAGL được bỏ qua bởi trọng tài Trần Đình Thịnh hay pha thay người sai hy hữu của trọng tài bàn Hoàng Thanh Bình ở trận CLB Nam Định - SLNA chỉ là vài ví dụ tiêu biểu cho hàng loạt sai lầm của trọng tài sau 8 vòng mở màn V.League 2020.

Vì sao V.League càng hấp dẫn, thì trọng tài càng sai lầm?

Báo động số lượng và chất lượng trọng tài

Vấn đề trọng tài ở V.League 2020 đã được cảnh báo từ tháng 2 sau cuộc kiểm tra thể lực trọng tài và trợ lý hồi đầu mùa ở Hàng Đẫy. 118 trọng tài và trợ lý tham dự kiểm tra. 10 người không thể vượt qua nghĩa là V.League và giải hạng Nhất chỉ còn 108 trọng tài. Theo tìm hiểu của Zing, 26 trọng tài và hơn 30 trợ lý trong số này làm việc ở V.League. Về số lượng, từng ấy trọng tài và trợ lý không ít hơn những mùa giải trước đó.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ này và lịch thi đấu dày đặc của V.League mới là vấn đề.

Về chất lượng, mùa giải 2019 có 5 trọng tài FIFA, nhưng mùa 2020 còn 2 trọng tài là Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà. Một trọng tài không thể tham dự lượt đi vì vấn đề thể lực là Nguyễn Hiền Triết. Ba trọng tài kinh nghiệm là Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Trung Kiên, Hoàng Phạm Công Khanh đều trượt kiểm tra thể lực. Sự vắng mặt của những tên tuổi kỳ cựu khiến Ban trọng tài buộc phải đôn một số trọng tài trẻ thiếu kinh nghiệm lên V.League.

Khó khăn này là điều Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền từng dự đoán với Zing hồi đầu mùa: “Đúng là điều này đáng báo động khi các trọng tài FIFA lần lượt không tiếp tục nữa vì nhiều lý do. Một số trọng tài nhiều kinh nghiệm, từng là trọng tài FIFA lại không đảm bảo thể lực, chuyên môn. Ban trọng tài phải đẩy nhanh việc đào tạo trọng tài trẻ, mở lớp đào tạo tài năng để bổ sung làm trọng tài quốc tế”.

Khó khăn thứ 2 của đội ngũ trọng tài nằm ở lịch thi đấu. Mỗi vòng V.League có 7 trận, mỗi trận cần một trọng tài chính, một trọng tài bàn, 2 trợ lý, như vậy có 28 trọng tài mỗi vòng. Thoạt nhìn, người không hiểu chuyện có thể nghĩ Ban trọng tài còn dư khoảng hai chục người.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở nguyên tắc phân công trọng tài. Một trọng tài đã bắt chính trận trước thường được phân làm trọng tài bàn ở trận sau. Nguyên tắc này ra đời nhằm đảm bảo tính công bằng, tránh quyền lực dồn quá nhiều vào một số trọng tài đồng thời tạo cơ hội cho trọng tài được nghỉ ngơi. Ở mùa 2020, trọng tài FIFA Ngô Duy Lân bắt chính 5 trận, 2 trận làm trọng tài bàn. Một trong tài kinh nghiệm khác là Nguyễn Ngọc Châu cũng chỉ bắt chính 4 trận, 3 trận làm trọng tài bàn.

Nguyên tắc vùng miền cũng tác động đáng kể tới việc phân công trọng tài. Các trọng tài đến từ TP.HCM sẽ không được phân những trận của đội Sài Gòn, TP.HCM. Điều tương tự áp dụng với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Mà đó lại là những trung tâm lớn, có nhiều cơ sở giáo dục thể chất, nhiều trường chuyên đào tạo thể thao, tức là nguồn cung nhân sự chủ yếu cho Ban trọng tài.

Trong tai V.League anh 2

Ông Hiền Triết (giữa) là trọng tài FIFA không được bắt mùa này vì vấn đề thể lực. Ông từng được khen hết lời khi dám nhận bắt trận CLB Hà Nội gặp HAGL ở tứ kết lượt về cúp quốc gia 2018. Ảnh: Minh Chiến.

Thể thức mới khiến Ban trọng tài gặp khó

Năm 2018, giới bóng đá từng khen nức nở trọng tài Nguyễn Hiền Triết khi ông nhận lời cầm còi trận tứ kết lượt về cúp quốc gia, khi đó được dự đoán là cực kỳ khó bắt sau những căng thẳng dâng cao giữa đôi bên ở lượt đi. Lúc đó, Ban trọng tài có đủ nguồn lực để chờ đợi tinh thần tự nguyện và lựa chọn trọng tài tốt cho trận cầu “đinh”.

Lịch thi đấu V.League mùa này thuộc dạng nặng nhất trong lịch sử sau 2 tháng bóng đá gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thay vì đá mỗi tuần một vòng, V.League hiện duy trì cường độ 4, 5 ngày một trận. Mỗi tổ trọng tài cần tối thiểu 3 ngày ở địa phương cho một trận đấu. Ngoài 90 phút trên sân, họ phải tham gia họp kỹ thuật, tập làm quen sân, viết báo cáo, di chuyển.

Số lượng trận đấu đã lớn, tính chất căng thẳng của trận cầu cũng tăng lên. Thể thức mới khiến các CLB phải “cố sống, cố chết” thi đấu, ít nhất cho tới hết giai đoạn một V.League. Riêng vòng 8 đã chứng kiến 5 trong số 7 trận có tính chất tranh chấp thứ hạng trực tiếp. Khi có quá nhiều trận cầu “đinh” mà không còn đủ trọng tài tốt, Ban trọng tài sẽ phải sử dụng các trọng tài trẻ. Và sai lầm sẽ đến như một tất yếu.

Người hâm mộ đã quá quen với những chia sẻ mỏi mệt của cầu thủ Việt Nam mùa này, thì có thể tưởng tượng ra vấn đề tương tự của các trọng tài.

Nếu CLB Quảng Ninh có thể đôn Nguyễn Hai Long thay thế Nguyễn Hải Huy, Ban trọng tài không có nguồn lực tương tự để bổ sung. Nguyên tắc phân công là trọng tài hạng Nhất không được phép bắt V.League, Ban trọng tài chỉ được bổ sung một lần trong giai đoạn giữa mùa giải (tương đương với chuyển nhượng giữa mùa của cầu thủ).

Phương án trọng tài ngoại như các mùa trước cũng đã được nhắc tới, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở khu vực đã khiến việc này trở nên bất khả thi.

Trong tai V.League anh 3

VPF không được quyền phân công trọng tài mà chỉ được phản biện quyết định của Ban trọng tài. Ảnh: Minh Chiến.

Mâu thuẫn giữa VPF và Ban trọng tài

Một yếu tố khác không kém quan trọng cần được nhắc tới là mối quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa đơn vị tổ chức Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Ban trọng tài.

Cơ chế hoạt động hiện vẫn cho phép Ban trọng tài tự phân công và gửi danh sách sang. VPF chỉ có quyền phản biện chứ không được quyết định cuối cùng về việc này. Ban trọng tài vì thế vẫn là một thế giới riêng, đầy quyền lực mà VPF chưa thể tác động để mang tới những thay đổi tích cực.

Chia sẻ với Zing ít ngày trước, ông Dương Văn Hiền khẳng định: “Quyền phân công là của ban trọng tài. Có những lúc quan điểm của VPF không trùng với ban trọng tài VFF, thì ban trọng tài không thực hiện”.

Trọng tài thiếu, lại vừa yếu trong khi nhiệm vụ mùa giải 2020 khó khăn và nặng nề gấp bội, sai lầm của trọng tài vì thế là điều không khó hiểu. Cũng bởi thế, công tác trọng tài vẫn đi riêng một đường, dường như lạc lõng trong dòng chảy sôi động của V.League.

Tính tới lúc này, mùa giải 2020 đang mang tới những tín hiệu tích cực vượt quá mong đợi. Đó là đà thăng hoa của những tên tuổi mới, những tài năng trẻ liên tiếp xuất hiện hay cuộc hồi sinh của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Đức. Ở 5 vòng gần nhất, ngôi đầu đã thuộc về 4 đội khác nhau, bằng chứng cho sự kịch tính liên tục, đầy bất ngờ.

Bức tranh bóng đá Việt Nam lẽ ra sẽ tươi sáng hơn nếu không có những nét vẽ tối màu từ công tác trọng tài.

Trong tai V.League anh 4
Hàng loạt sai lầm và quyết định tranh cãi của trọng tài V.League Nhiều sai sót và quyết định gây bức xúc xuất hiện trong công tác trọng tài ở V.League 2020, khiến VFF phải gửi công văn đề nghị ban trọng tài có biện pháp chấn chỉnh.

Trưởng ban Dương Văn Hiền: 'Trọng tài sẽ giảm sai sót xuống thấp nhất'

Ông Dương Văn Hiền cho rằng Ban trọng tài LĐBĐ Việt Nam (VFF) cố gắng giúp trọng tài giảm thiểu các sai sót, nhưng không thể sớm khắc phục chuyên môn.

CLB Nam Định muốn V.League có trọng tài ngoại để đảm bảo công bằng

Giám đốc Kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ chưa nguôi nỗi bức xúc khi thành tích của CLB Nam Định chịu ảnh hưởng nặng nề từ công tác trọng tài.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm