Trước vấn nạn sai sót của trọng tài từ những lỗi cơ bản đến ảnh hưởng kết quả trận đấu, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền có những chia sẻ về vấn đề này. Ông nêu ra khó khăn và thách thức đối với trọng tài ở mùa giải thay đổi thể thức thi đấu, khó khăn từ cách phản ứng của đội bóng, hình thức xử phạt của ban tổ chức giải, nhưng buộc mọi người phải sống chung với sai sót của trọng tài.
- Sau 8 vòng đấu V.League 2020, trọng tài một lần nữa trở thành tâm điểm với những sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, ông có thể nói gì về việc này?
- Về mặt chuyên môn trọng tài, Ban trọng tài VFF đã động viên đôn đốc trọng tài làm sao có tâm lý tốt, bản lĩnh, chỉ cần 2 điều đó thôi. Chúng tôi cố gắng giúp trọng tài giảm sai sót xuống thấp nhất là tốt rồi. Chuyên môn không thể nói thay đổi một sớm một chiều, đột ngột được, muốn thay đổi phải bằng nhiều cách.
Đội ngũ trọng tài ở V.League 2020 gồm có 26 trọng tài chính và khoảng hơn 30 trợ lý trọng tài. Ảnh: Quang Thịnh. |
Các đội bóng nên phản ứng chừng mực chứ không phải thiệt thòi một chút là làm ầm lên. Điều đó ảnh hưởng tâm lý trọng tài, họ cũng là con người, có sai sót chứ không phải lúc nào cũng đúng. Chúng tôi đề nghị ban tổ chức giải có hình thức xử lý, ai sai phải chịu chứ không để loạn lên như thế.
Ban tổ chức cũng nên xắn tay vào hỗ trợ. VPF chậm xử lý việc phản ứng, làm không tới nơi nên ảnh hưởng đến tâm lý trọng tài. Nhiều quan chức đội bóng còn nhảy vào chỗ trọng tài chỉ chỏ (Vụ trên sân Tam Kỳ - PV). Ban tổ chức không giải quyết thấu đáo khiến các trọng tài phải đặt câu hỏi về quan chức nào mà ban tổ chức còn sợ.
- Hai trận đấu giữa CLB Nam Định gặp Hải Phòng và CLB Quảng Nam thắng SLNA để lại nhiều điều tiếng về sai sót của trọng tài. Ông có thể đánh giá cụ thể về trọng tài Nguyễn Minh Thuận và Vũ Phúc Hoan?
- Trọng tài FIFA nhiều lúc cũng sai. Chúng ta hiểu là không phải bắt nhiều hay không nhiều. Trong những trận trước, trọng tài Thuận làm tốt, giờ đụng một cái sai, thì phải chịu trách nhiệm. Tôi ví dụ như trường hợp của trọng tài FIFA Trương Hồng Vũ ở trận CLB Viettel và Bình Dương năm ngoái, giờ hỏi lại cậu ấy cũng không hiểu vì sao lại quyết định như vậy.
Thay đổi phương thức thi đấu, thể thức làm cho tính chất trận đấu hay, đội nào cũng muốn tích lũy điểm cho giai đoạn 2. Vì vậy, nó tạo áp lực lớn cho trọng tài, nhiều anh em trọng tài áp lực quá lớn. Họ chịu không được áp lực, mắc sai sót, nhiều khi mình phải chấp nhận điều đó. Nhìn chung anh em đã cố gắng bằng hết cái tâm và sức lực làm sao an toàn trận đấu nhưng có sai sót phải chịu thôi.
Ông Dương Văn Hiền nắm quyền Trưởng ban trọng tài VFF thay ông Nguyễn Văn Mùi từ mùa giải 2020. Ảnh: L.M. |
- Ban trọng tài VFF đang đối mặt với những khó khăn gì ở mùa này? Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên môn của trọng tài hay không?
- Năm nay, lực lượng trọng tài mỏng, nhiều người có kinh nghiệm đã không vượt qua được bài kiểm tra hồi đầu mùa. Trong quá trình điều hành trận đấu, trọng tài "va vấp" sau từng trận. Điều cuối cùng là lịch thi đấu dày, những mùa giải trước chỉ trung bình 1 trận/tuần. Năm nay, giải đá liên tục, không có quãng nghỉ, khắc nghiệt. Lực lượng trọng tài mỏng, thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Ban trọng tài VFF có nhiều phương án, ví dụ như đôn trọng tài trẻ từ giải hạng Nhất. Trong quá trình tổ chức 2 giải, trọng tài nào làm tốt, thì sẽ được đưa lên làm việc tại V.League. Các trận đấu ở giải VĐQG nhanh, quyết liệt hơn nhưng cũng là bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trọng tài không bắt cùng lúc 2 giải. Chưa có tiền lệ trọng tài đang làm giải hạng Nhất được đưa lên V.League, phải chờ đến hết giai đoạn một. Còn trọng tài V.League xuống làm giải hạng Nhất thì được.
- Việc VPF góp ý, không mời các trọng tài trong lịch phân công trọng tài có tác động gì đến các quyết định phân công trọng tài của Ban trọng tài?
- VPF phải có lý do chính đáng, góp ý hợp lý, thì Ban trọng tài VFF lắng nghe, tiếp thu và sửa chữa làm sao cho tốt nhất. Quyền phân công là của ban trọng tài. Có những lúc quan điểm của VPF không trùng với ban trọng tài VFF, thì ban trọng tài không thực hiện. Có những ý kiến VPF chính đáng, chúng tôi chấp nhận chứ không bảo thủ miễn sao tốt nhất cho công tác trọng tài.
- Mùa giải 2020, Việt Nam còn 2 trọng tài FIFA là Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà. Chất lượng trọng tài Việt Nam có phải đang đi xuống, phản ánh qua con số này?
- Trọng tài FIFA của mình ít, cũng có nhiều lý do. Một số trọng tài FIFA mắc lỗi hay không đạt sức khỏe thì rớt. Ví dụ như trọng tài Trương Hồng Vũ đang bắt tốt, vướng vi phạm nên phải ngưng hay như trọng tài Nguyễn Hiền Triết không đủ thể lực. Nên việc Việt Nam còn 2 trọng tài FIFA vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trọng tài Nguyễn Minh Thuận nhiều khả năng sẽ phải nghỉ thi đấu vài vòng sau 2 lỗi nghiêm trọng trên sân Tam Kỳ trong trận đấu giữa Quảng Nam với SLNA. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Nhiều người chỉ trích công tác đào tạo trọng tài, nhấn mạnh vào chất lượng chuyên môn của đội ngũ này không tốt, ông lý giải như thế nào?
- Công tác trọng tài cũng như mọi năm, đều có đào tạo, nâng cấp, bổ sung. Trọng tài cũng giống như cầu thủ, vài năm chúng tôi có lứa tốt. Chất lượng trọng tài phụ thuộc vào tố chất, năng khiếu bẩm sinh, không phải cứ đào tạo 10 trọng tài là được 10. Chúng tôi vẫn đảm bảo công tác đào tạo.
Năm nay, Ban trọng tài VFF tổ chức 2 lớp trọng tài tiềm năng, nhưng chưa triển khai được vì dịch Covid-19. Chúng tôi đôn trọng tài lên sớm hơn, đào tạo nhiều hơn, thời gian đào tạo nhiều, thực tế hơn. Trước đây, thời lượng lý thuyết nhiều quá, không có thời gian cho các bài tập thực tế. Hai lớp này lùi lịch lại chứ không phải bỏ.
Cám ơn ông đã chia sẻ.
Bảng xếp hạng V.League sau 8 vòng đấu. CLB Sài Gòn bất ngờ dẫn đầu, trong khi Nam Định tiếp tục đứng chót. Đồ họa: Minh Phúc. |