Trận đấu giữa HAGL và Thanh Hóa diễn ra chiều 8/4 trên sân Pleiku. Đội chủ nhà thua ngược 2-3 và nổi điên với tổ trọng tài với lý do bắt sai, bắt chẹt. Thậm chí một nhóm CĐV Gia Lai quá khích đã tấn công các vua sân cỏ khi hết giờ.
Kết thúc trận đấu không lâu, đại diện BTC giải và Ban trọng tài tuyên bố trọng tài Trần Xuân Nguyện và các trợ lý làm việc quá yếu kém nên phải chịu hình thức đình chỉ làm nhiệm vụ vô thời hạn.
Mặc dù vậy, không một ai nhắc đến chuyện ông Nguyện đúng hay sai trong 3 tình huống bước ngoặt của trận cầu: từ chối bàn thắng của Văn Thanh (HAGL), đuổi hậu vệ A Hoàng (HAGL) và công nhận bàn thắng của Uche (Thanh Hóa). Người ta chỉ nhìn thấy một điều: HAGL quá bất lợi vì những quyết định này.
Trọng tài Trần Xuân Nguyện (cầm bóng) được "giải oan", nhưng đã quá muộn vì bị "kết án" trước đó 2 ngày. Ảnh: Quốc Bảo. |
Cầu thủ HAGL vùng vằng phản ứng ngay trên sân, đá bóng lên khán đài. Lãnh đạo đội HAGL lao vào sân tranh cãi. Bầu Đức từ xa thoạt đầu không ý kiến, nhưng về sau nói móc: HAGL còn phải chịu bất công nhiều…
Tất cả mũi dùi công kích đều hướng về trọng tài Trần Xuân Nguyện và trợ lý Phạm Phú Hưng – hai nhân vật phải lên đoạn đầu đài mà chưa hề được thông báo về sai phạm của mình.
Vì họ có sai phạm đâu mà thông báo?!
Hôm qua, nghĩa là 2 ngày sau khi tổ trọng tài nhận phán quyết treo còi, treo cờ từ Phó ban Dương Văn Hiền, Ban trọng tài mới họp lại để mổ băng. Ác thay, kết luận từ phiên “phẫu thuật” là ông Nguyện và ông Hưng hoàn toàn đúng.
Từ quê nhà Huế, ông Nguyện thở phào nhẹ nhõm. Đúng trạng thái của một người được minh oan. Ông đã xác định sẽ về hưu sớm (tuổi làm nhiệm vụ của ông cũng chỉ hết năm nay), về hưu theo cách nghiệt ngã nhất của nghề. Nay thì ông phấn khởi mà rằng nếu còn được tin tưởng làm việc tiếp, ông sẽ không từ chối.
Ở nơi đầu não của hệ thống trọng tài, ông Hiền nghĩ gì, chịu trách nhiệm gì về quãng thời gian rất ngắn nhưng vô cùng ác mộng vừa trải qua với ông Trần Xuân Nguyện?
Xét về góc độ lương tâm của những người cùng giới cầm còi với nhau, buông một cái án lửng lơ vô căn cứ đã là khó chấp nhận. Còn ở góc độ phán xét của xã hội, ai sẽ đền bồi cho ông Nguyện những day dứt, khổ tâm khi bị chụp mũ về năng lực và đạo đức làm nghề?
Trước kia, giới trọng tài có “luật im lặng” để bảo vệ lẫn nhau. Nhưng trước sự bức xúc của người hâm mộ, trước sự công phá của dư luận, Ban trọng tài đã thay đổi hẳn cách hành xử với chính “người nhà” để tỏ ý cầu thị, tiếp thu, minh bạch... Điển hình là trường hợp của ông Nguyện, chưa xét đã xử xong rồi.
Oái oăm thay, những động thái mạnh mẽ, dứt khoát trên cả mức cần thiết đó chỉ áp dụng với một vài đối tượng nhất định: những trọng tài không nằm trong sợi dây liên lạc của một mạng lưới ngầm. Đấy là những con tốt thí mà hễ có biến là bị đưa lên đoạn đầu đài…