Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM diễn ra chiều 16/12.
Tại tọa đàm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu thực trạng trong đại dịch, cơ quan chính quyền triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 khiến người dân và doanh nghiệp vui mừng. Thế nhưng, khi hết dịch, việc này không tiếp tục được triển khai triệt để, nhiều doanh nghiệp còn được mời lên ký lại hồ sơ từ trong dịch.
Ông cho rằng thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tại TP.HCM thời gian qua vẫn "vừa cũ, vừa mới".
"Giai đoạn chuyển tiếp là cần thiết nhưng phải dứt khoát cắt đứt cái cũ, chỉ làm cái mới mới giải quyết được việc. Cách làm hiện nay còn chập chờn, vừa trực tiếp, vừa trực tuyến", ông nói.
Phó chủ tịch cũng lưu ý các website của cơ quan Nhà nước hiện khó tiếp cận, chưa tối ưu hóa việc cung cấp thông tin cho người dân. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cần sớm cải thiện vấn đề này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: Thu Hằng. |
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh những năm gần đây, thành phố rất quan tâm tới cải cách hành chính. Tuy nhiên, 5 năm qua, xếp hạng PCI vẫn giảm (dù điểm số có cải thiện).
"Cái gì cũng đi trước, thường nói là thành phố năng động, sáng tạo, nhưng lại chưa bằng địa phương khác, chỉ số thành phần về năng động rất thấp so với các địa phương", ông băn khoăn.
TP.HCM đặt mục tiêu kiên quyết khắc phục hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư, trở thành một trong năm địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số PCI.
Nói về giải pháp, ông cho biết thành phố đang thảo luận, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức (DDCI). Ông Hoan kỳ vọng chỉ số DDCI sẽ góp phần thúc đẩy chỉ số PCI của thành phố.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết 10 năm qua, chỉ số PCI của TP.HCM không thấp, 6 năm trước luôn trong top 10. Năm 2020, TP.HCM được xếp hạng thứ 14. Trong Đông Nam Bộ, TP.HCM chỉ xếp sau Bình Dương.
Ông chia sẻ nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam thì TP.HCM từng là "đầu tàu", là cực phát triển. Các sáng kiến chính sách của TP.HCM là đầu vào cho chính sách của Trung ương. Tuy nhiên, thời gian qua, ông chưa nghe nhiều về sự đi trước, năng động, tiên phong trong mô hình của TP.HCM.
TP.HCM đặt quyết tâm cải thiện chất lượng thực thi nhiệm vụ của cấp cơ sở trong năm 2022. Hình ảnh người dân thực hiện thủ tục hành chính tại TP Thủ Đức. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Vị này cho biết hơn 50 tỉnh, thành phố đã triển khai Bộ chỉ số DDCI, nhờ đó thúc đẩy chỉ số PCI cao hơn.
Đại diện VCCI chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng ở Việt Nam là khoảng cách giữa chính sách và thực thi rất lớn. Sự khác biệt giữa các địa phương không phải ở chiến lược, kế hoạch, mà là chất lượng thực thi. Ông Tuấn cho biết DDCI là công cụ để đo lường chất lượng thực thi và khuyến nghị TP.HCM sử dụng.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ nhiều chiến lược, đề án sau 5 năm mở lại "vẫn mới tinh". "Khi thực thi phải nói thẳng là làm chưa tốt, từng ngành phải xem lại", ông nói.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ chỉ số DDCI và trình để phê duyệt trong tháng 6/2022. TP.HCM sẽ coi đây là cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ trong tương lai.
Độ tin cậy của doanh nghiệp vào luật pháp giảm
Theo khảo sát của VCCI, khoảng 10% doanh nghiệp tại TP.HCM được khảo sát phản ánh bị mất trộm tài sản. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng pháp luật trong giải quyết tranh cấp cũng giảm dần, cho thấy sự sụt giảm niềm tin cậy của doanh nghiệp với pháp luật.
"Làm ăn khi tranh chấp thì có đến tòa không, có gặp khó khăn không, khi xét xử có công bằng không. Đây là niềm tin ở nhiều khía cạnh chứ không phải chỉ chuyện mất trộm", Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.