Sắp xếp cán bộ dôi dư là nội dung được đặc biệt quan tâm thảo luận tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 diễn ra chiều 15/12.
Báo cáo tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, chia sẻ sau khi sắp xếp, nhiều đơn vị hành chính dôi dư cán bộ nhưng không có chính sách giải quyết đặc thù mà chỉ thực hiện theo quy định hiện hành (điều chuyển, nghỉ hưu hoặc tinh giảm biên chế). Việc này tác động đến tâm lý, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức cũng như hiệu quả trong quản lý, thực hiện công việc.
Nhiều nơi sau khi sáp nhập, thủ tục hành chính tăng gấp đôi nhưng chỉ được giữ lại 2/3 cán bộ, phụ cấp vẫn như cũ, khiến các địa phương lúng túng trong sắp xếp công việc.
Ngoài ra, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính cũng gặp nhiều khó khăn. Một số trụ sở có thể đấu giá, nhưng nhiều trường hợp khó khăn khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư do phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng và đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nhấn mạnh: "Cần quan tâm tới tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính". Vị đại biểu HĐND phản ánh cán bộ TP Thủ Đức tâm tư nhiều và đề nghị các cơ sở rà soát, đảm bảo chuẩn hóa chất lượng cán bộ sau khi tái sắp xếp.
"Có một số cán bộ trước đây chưa đạt chuẩn thì giờ sắp xếp lại, đảm bảo đúng chuyên môn. Còn cán bộ đủ chuẩn mà dôi dư thì xem xét trao đổi với các địa phương khác có cán bộ chưa đạt chuẩn", ông Bình đề xuất.
Theo lộ trình sắp xếp 5 năm (2021-2025), số lượng cán bộ dôi dư của TP.HCM là 644 người. Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM, lưu ý: "Cần đánh giá, sắp xếp cán bộ sao cho không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tư tưởng cán bộ phải an mới có thể làm việc hiệu quả".
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân nêu một số giải pháp cho TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, chia sẻ khi đo lường các chỉ số như năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính thì xếp hạng của TP.HCM cải thiện rất chậm dù phấn đấu nhiều. Một trong những nguyên nhân là sắp xếp bộ máy hành chính, nhân lực.
Nói về giải pháp, đại biểu này gợi ý TP.HCM đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù (dự kiến kết thúc năm 2022). Cùng với đó, thành phố nên thúc đẩy việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt. Ngoài ra, ông gợi mở một số xã, phường đông dân nên tính phương án tách ra để thuận lợi cho quản lý.
2 trạm y tế chưa có trụ sở
Đại diện Sở Y tế cho hay sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, 2 trạm y tế phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông (TP Thủ Đức) hiện chưa được bố trí trụ sở. Vị này cho biết cán bộ của 2 trạm này đang sử dụng chung trụ sở với các phường lân cận.
Hai phường này thuộc diện giải tỏa trắng, chưa có nhiều dân nên việc bố trí trụ sở chưa quá cấp thiết. Tuy nhiên, Sở Y tế nhận định cần sớm hoàn thiện việc sắp xếp 2 trạm y tế này để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.