Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều cán bộ ở TP Thủ Đức xin nghỉ việc sau khi sáp nhập

Với khối lượng công việc lớn, Chủ tịch TP Thủ Đức đề nghị không giảm biên chế; đồng thời, nêu ý kiến về huy động nguồn lực đất đai của địa phương trong bối cảnh TP.HCM khó khăn.

Giảm hay giữ nguyên biên chế cán bộ cho TP Thủ Đức sau khi sáp nhập là vấn đề được quan tâm thảo luận tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM với việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 diễn ra sáng 10/12.

Báo cáo với Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết sau khi thành lập, hệ thống hành chính của thành phố đã cơ bản vận hành thông suốt từ tháng 2/2021 đến nay. Sau 11 tháng hoạt động, TP Thủ Đức đạt được một số kết quả tích cực như: Dự toán vượt thu ngân sách 2021, thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC)... Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là công tác nhân sự.

Cán bộ nghỉ việc nhiều

Theo đề án về thành lập TP Thủ Đức, số biên chế hành chính cuối năm 2022 là 459 người. Đại diện TP Thủ Đức cho rằng số lượng nhân lực này không đủ để đáp ứng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc của các cơ quan, đơn vị trong điều kiện địa bàn quản lý quá lớn và đông dân.

Chủ tịch UBND phường An Khánh Hồ Hải Phong chia sẻ sau khi sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh, khối lượng công việc rất lớn, lực lượng bán chuyên trách lương thấp, không có chế độ nên nghỉ việc rất nhiều.

"Tổng thu nhập có 3-4 triệu/tháng nên họ không an tâm công tác. Sau khi sáp nhập, số lượng hồ sơ hành chính nhiều trong khi con người ít hơn trước kia", ông Phong chia sẻ.

Một khó khăn khác là sau sáp nhập, việc tiếp cận, chuyển giao hồ sơ, công việc tồn đọng của phường cũ có vướng mắc do cán bộ cũ đã rút đi, cán bộ mới phải nắm bắt lại công việc.

phan cap phan quyen cho TP Thu Duc anh 1

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo tại buổi giám sát. Ảnh: Thu Hằng.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ TP Thủ Đức hiện vẫn vận hành như một đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trừ việc vẫn còn HĐND.

"Trong tất cả quy định có liên quan đều phải tuân thủ về tổ chức bộ máy nhân sự. Đây là hạn chế lớn nhất khi sáp nhập. Công việc, con người tăng nhưng đầu mối giảm. Để vận hành TP Thủ Đức xứng đáng với kỳ vọng khi thành lập thì cần một cơ chế", ông Tùng tâm tư.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết dù đã nỗ lực hiện đại hóa hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, nếu tiếp tục vận hành như hiện nay thì rất áp lực. Về giải pháp trước mắt, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì xây dựng đề án phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Về lâu dài, ông Tùng mong Quốc hội phê duyệt một cơ chế riêng cho Thủ Đức.

Nói về đề án này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, nhận định TP.HCM đến nay chưa ban hành là "chậm" và Đoàn sẽ có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ. Năm nay, TP.HCM sẽ tổng kết Nghị quyết 54 và đề xuất cơ chế đặc thù, trong đó nên có phần cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.

"3 đột phá" cho TP Thủ Đức

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chia sẻ hôm qua, 9/12, là vừa tròn một năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 thành lập TP Thủ Đức.

Thủ Đức đang phải quản lý lượng dân số tương đương bình quân một tỉnh nhưng bộ máy thì chưa phải một tỉnh nên "quá tải là chắc chắn". "Bộ máy quản lý dân phải tương đương dân. Nhưng chúng tôi thấy chưa tương xứng, các đồng chí còn rất vất vả", ông Nhân chia sẻ.

phan cap phan quyen cho TP Thu Duc anh 2

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP Thủ Đức nên nghiên cứu chính sách cho cán bộ năng động, sáng tạo. Ảnh: Thu Hằng.

Đại biểu Nhân nhắc lại năng suất lao động của TP.HCM gấp 2,6 lần cả nước. TP Thủ Đức với mục tiêu phát triển cao nhất TP.HCM thì năng suất cũng phải gấp ít nhất 3 lần cả nước. Như vậy, với quy mô 1,2 triệu dân, quy mô kinh tế của TP Thủ Đức phải tương đương 3,6 triệu dân.

"Không phải chúng ta đòi biên chế nhiều hơn, thu nhập cao hơn một cách phi lý, mà đó là điều kiện cho một bộ máy kinh tế của địa phương có tiềm năng gấp 3 lần cả nước", ông Nhân lập luận.

Để TP Thủ Đức phát triển, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đáp ứng "3 đột phá", đó là tính tự chủ cao; có nhân lực trình độ cao; và đột phá trong hạ tầng đô thị, 4.0. Ông đề nghị TP Thủ Đức cần xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; và trung tâm siêu máy tính lớn nhất cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Thủ Đức nghiên cứu chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, hiệu quả cao bằng thêm phụ cấp trách nhiệm. Với biên chế hơn 500 người để phục vụ hơn 1 triệu dân, ông cho rằng cơ chế đặc thù này là hợp lý.

Ngoài ra, ông Nhân cũng đề nghị TP.HCM cần huy động hoặc vay khoảng 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) thì trong 7 năm tới mới có thể đổi mới về hạ tầng. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần có hệ thống giao tiếp hiệu quả với người dân, qua đó, đánh giá tình hiệu quả của cán bộ.

phan cap phan quyen cho TP Thu Duc anh 3

Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát TP Thủ Đức sáng 10/12. Ảnh: Thu Hằng.

Cuối buổi giám sát, đại diện Đoàn ĐBQH TP.HCM đặt câu hỏi về kiến nghị mà TP Thủ Đức "tha thiết nhất".

Chia sẻ với các đại biểu, ông Hoàng Tùng trăn trở trong quy định được Quốc hội duyệt, biên chế TP Thủ Đức phải giảm xuống 459 người vào 2022. Khi rà soát để tinh giảm hay đưa về phường, cán bộ rất trăn trở, thậm chí một số đồng chí xin nghỉ.

"Hiện, 585 người làm thật sự chưa hết việc, giảm nữa không biết làm sao. Thành phố tha thiết xin giữ biên chế như cũ là tốt nhất. Đây là kiến nghị rất cấp bách", ông chia sẻ và mong được quan tâm vấn đề này.

Về huy động nguồn lực, ông Tùng chia sẻ hiện TP.HCM cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn. TP Thủ Đức nhìn nhận nguồn lực đất đai hiện có tiềm năng lớn nhất và sẽ lựa chọn quỹ đất, đấu thầu tìm nhà đầu tư cho các công trình, dự án.

TP Thủ Đức đề xuất tăng thêm thẩm quyền

Bí thư TP Thủ Đức cho rằng dù là mô hình đầu tiên trên cả nước về chính quyền đô thị, thực tế TP Thủ Đức (TP.HCM) chưa có thẩm quyền gì tăng thêm so với cấp quận, huyện.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm