Mong muốn được phân cấp, phân quyền mạnh hơn để phát triển là vấn đề được Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Thủ Đức với doanh nghiệp diễn ra sáng 6/11.
TP Thủ Đức mới thành lập 10 tháng nhưng đã có tới 5 tháng tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Ông Hiếu nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ, TP.HCM cũng như Thủ Đức là vẫn đang trong giai đoạn phòng, chống dịch, cần thích ứng để sản xuất, kinh doanh an toàn.
Thủ Đức đối diện nhiều thách thức
"Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi cũng không dám hình dung có thể tổ chức hội nghị trên 100 người như hôm nay. Nay ngồi ở đây, nói chuyện với các anh chị là hạnh phúc rất lớn. Còn 2-3 tháng trước, chúng tôi mặt mày xám xịt. Tối ngày xuống dưới cơ sở, xóm trọ để giải quyết vấn đề", ông Hiếu chia sẻ.
Nhìn lại quá trình chống dịch vừa qua, Bí thư TP Thủ Đức nhấn mạnh có rất nhiều thách thức. Cao điểm, Thủ Đức có 60 điểm thu dung, điều trị F0. Điều may mắn là địa phương tự chủ được toàn diện. Hiện, gần như tất cả F0 được điều trị, phát thuốc tại nhà.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ về giai đoạn khó khăn trong đại dịch. Ảnh: Thu Hằng. |
Từ những khó khăn đó, Bí thư Hiếu khẳng định thời gian tới phải tiếp tục phòng, chống dịch song song với phục hồi kinh tế. Nếu để tình hình dịch như vừa qua lặp lại thì rất khó giải quyết.
Nhìn lại, Bí thư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ dù là mô hình đầu tiên trên cả nước về chính quyền đô thị, thực tế TP Thủ Đức chưa có thẩm quyền gì tăng thêm so với cấp quận, huyện.
Ông Hiếu thông tin việc nỗ lực tham mưu TP.HCM để có nghị quyết chuyên đề về phát triển, lãnh đạo TP Thủ Đức, dự kiến giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách.
"Hiện, Thủ Đức đang đối diện với nhiều thách thức về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tuy được đầu tư nhưng chưa kết nối đồng bộ, cái để tạo động lực vượt trội chưa cao. Tuyến metro do dịch bệnh nên có lẽ cả năm nữa mới hoạt động được dù đúng ra năm nay phải hoàn thành", ông Hiếu nêu vấn đề.
Thẩm quyền chưa khác gì so với quận, huyện
Nói về kế hoạch sắp tới, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết TP Thủ Đức định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao. Ông Hiếu đồng tình với góp ý của nhiều chủ doanh nghiệp về việc các khu chế xuất, khu công nghiệp cũ phải chuyển đổi.
"Cát Lái sắp tới phải chuyển đổi, kết nối với cảng Phú Hữu để phát triển về mặt cảng và logistics", ông Hiếu nói.
Về xây dựng, Bí thư TP Thủ Đức nói thực chất thành phố có 200 dự án, nếu triển khai đồng bộ thì sẽ giống như một đại công trường và quy mô phát triển sẽ rất nhanh, tầm cỡ.
Ví dụ, nếu giải quyết thấu đáo các vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm và tiến hành đấu giá quỹ đất này, TP Thủ Đức có thể thu về cả trăm nghìn tỷ đồng rất nhanh. Cùng với đó, các hoạt động thương mại, dịch vụ như phố đi bộ, mua sắm... được định hình; dịch vụ tài chính, ngân hàng sẽ đổ về.
TP Thủ Đức mong muốn được phân cấp, ủy quyền nhiều hơn so với địa phương khác. Ảnh: Thu Hằng. |
Tuy nhiên, thẩm quyền của TP Thủ Đức hiện chưa mới so với các quận, huyện, ông Hiếu mong sớm giải quyết được vấn đề này để định hướng phát triển. "Cấp chính quyền phải là nơi tiếp cận nhanh nhất. Nếu không phân cấp, ủy quyền thì sẽ là điểm nghẽn", ông Hiếu nói.
Bí thư Hiếu dẫn chứng có thể mạnh dạn giao TP Thủ Đức thu thuế của doanh nghiệp trên địa bàn; hay cho phép TP Thủ Đức quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực nội đô (trừ vùng liên tỉnh, liên quận), không "ngắt khúc" với sở ngành.
"Mong thẩm quyền TP Thủ Đức tăng trong quản lý Nhà nước để phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Như vậy, tiếng nói ở cấp quản lý mới đến doanh nghiệp, người dân nhanh nhất, không qua nhiều tầng lớp trung gian", Bí thư Nguyễn Văn Hiếu nhận định.