Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp TP Thủ Đức than thiếu lao động

Nhiều doanh nghiệp tại TP Thủ Đức thiếu lao động nên dù có đơn hàng cũng chưa thể phục hồi sản xuất. Doanh nghiệp đề xuất chính quyền hỗ trợ an sinh, tiền thuê trọ cho nhóm này.

Tình trạng thiếu hụt lao động do người dân về quê trong đại dịch là vấn đề được nhiều chủ doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Thủ Đức với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra sáng 6/11.

Đây là buổi đối thoại đầu tiên của TP Thủ Đức với doanh nghiệp kể từ khi thành lập.

Làm việc một tháng mới có lương, lao động về TP lấy gì sống?

Bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo, đưa ra những góp ý cụ thể cho chính quyền sau kinh nghiệm 3 tháng thực hiện "3 tại chỗ".

"Thời gian vừa rồi công nhân rất tội. Công nhân là F0 đi cách ly về, chủ nhà trọ không cho vào. Tôi phải thuê khách sạn cho công nhân ở", bà Quân kể.

Công nhân tự tìm nhà trọ thì thường ở nơi lụp xụp. Thời gian qua, đa phần nhà trọ công nhân cũng là nơi bùng dịch, tỷ lệ thương vong cao. Chính quyền địa phương và các công ty tư nhân cần có kế hoạch xây dựng nhà trọ cho công nhân bởi không phải công ty nào cũng có năng lực tự xây dựng.

Bà cho rằng chính quyền nên công khai xây dựng, cập nhật mạng lưới kết nối giữa cơ quan chức năng tuyến địa phương với doanh nghiệp. Mục đích là bất kể trong tình trạng trực tiếp hay trực tuyến, cán bộ vẫn có thể làm việc với doanh nghiệp, không có tình trạng ắch tắc.

"Doanh nghiệp '3 tại chỗ' làm việc cật lực, gấp 2-3 lần. Thế nhưng, khi doanh nghiệp làm việc với địa phương thì nhiều cán bộ nói rằng đang giãn cách, làm việc tại nhà nên họ không thụ lý vấn đề", chủ doanh nghiệp bức xúc.

thieu hut lao dong tai TP.HCM anh 1

Ông Lê Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đại Trường Hải và Công ty cổ phần dịch vụ bốc xếp và vận tải Vĩnh An. Ảnh: Thu Hằng.

Ông Lê Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Đại Trường Hải và Công ty cổ phần dịch vụ bốc xếp và vận tải Vĩnh An, chia sẻ sau dịch, doanh nghiệp đặc biệt gặp khó khăn về nhân sự. Quản lý 2 công ty với trên 1.000 lao động, ông cho biết thời gian qua, lượng lao động từ TP.HCM về các tỉnh rất đông nhưng số trở về TP sau dịch chưa nhiều. Ông đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ an sinh và tiền thuê phòng trọ cho người lao động.

"Lên mà không an sinh, một tháng làm việc mới có tiền lương thì lấy gì để sống? Phòng trọ cũng trả rồi, giờ muốn lên TP lấy tiền đâu trả? Ít nhất chính quyền phải hỗ trợ họ thì họ mới lên được", ông Hội nói. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp đề nghị TP hướng dẫn rõ người lao động được tiêm vaccine ở đâu khi quay lại thành phố.

Vị Tổng giám đốc này cho rằng nếu nhà máy đã sẵn sàng hết, có hợp đồng nhưng thiếu người lao động thì không thể phục hồi. Do đó, chính quyền cần phối hợp với các tỉnh để kêu gọi, đưa người lao động trở lại.

Các khu công nghiệp cũ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Nêu ý kiến tại hội nghị về vấn đề quy hoạch, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng trong quá trình phát triển, nhiều khu công nghiệp tại TP Thủ Đức đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử". Các khu này đan xen trong khu dân cư và hầu hết là doanh nghiệp công nghệ thấp. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ mắc Covid-19 cao trong đại dịch.

Trong khi đó, thực tế Khu công nghệ cao (quận 9) hơn 1.000 ha mới là mô hình hoạt động TP Thủ Đức nên hướng tới. Khu vực này thời gian qua ít F0, hoạt động "3 tại chỗ" hay "2 cung đường 1 điểm đến" cũng tốt hơn doanh nghiệp bên ngoài.

So sánh 2 nhóm này, ông Việt Anh cho rằng TP Thủ Đức nên hướng tới mục tiêu người lao động có thu nhập 10-12 triệu/tháng, đi theo hướng công nghệ cao, trung tâm tài chính, thành phố đại học, thành phố sinh thái. Do đó, TP Thủ Đức không nên quá tập trung xây dựng nhà cho người thu nhập thấp mà quyết liệt phát triển theo hướng dịch vụ, công nghệ cao.

"Việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là cần thiết nhưng phải gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Và đã là nhà trọ thì phải có tiêu chuẩn quy định về môi trường, điện nước, Internet", ông đề nghị.

Với Cảng Cát Lái, một trong những cảng có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới, ông gợi ý Thủ Đức nên quy hoạch khu công nghiệp Cát Lái thành khu dịch vụ về logistics cảng biển.

thieu hut lao dong tai TP.HCM anh 2

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Ảnh: Thu Hằng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng các Khu chế xuất Linh Xuân, Linh Trung... đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử". Thời hạn giao đất, cho thuê đất các khu vực này sắp hết, ông Châu đề xuất chuyển đổi công năng theo hướng thương mại, dịch vụ để tạo nguồn thu lâu dài. Còn nếu chuyển thành khu nhà ở bình thường thì sẽ không tạo ra giá trị kinh tế như kỳ vọng.

Chủ tịch HoREA so sánh về quy mô, diện tích TP Thủ Đức gấp 6 lần và dân số gấp 2,7 lần quận 7. Trong khi đó, thu ngân sách của quận 7 năm 2019 là 7.000 tỷ đồng, còn TP Thủ Đức năm 2020 là hơn 8.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là quận 7 có nguồn thu từ phát triển các khu đô thị lớn như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Him Lam...

"Hơn 20 năm sau khi thành lập, thu ngân sách của quận 7 tăng 118 lần. TP Thủ Đức hoàn toàn có thể làm được kỳ tích này", ông Châu dẫn chứng.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết trong 10 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước, đạt 6.283 tỷ đồng, đạt 75,45% so tổng dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương là 4.053 tỷ đồng, đạt 128,44% dự toán. Do ảnh hưởng của dịch, TP Thủ Đức có 2.369 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động.

Năm 2021, TP Thủ Đức phấn đấu thu ngân sách 10.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 8-10%. Đến năm 2025, Thủ Đức phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26 m2/người, mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn đô thị khoảng 6 km/km2, diện tích cây xanh đô thị không dưới 1,5 m2/người.

Cử tri TP.HCM: Chúng ta nợ ân tình người lao động đã bỏ phố về quê

Cử tri quận 7 và huyện Nhà Bè chia sẻ sự đau lòng khi nhìn cảnh người dân rời TP.HCM về quê và đề nghị có chính sách hỗ trợ, sớm đưa công nhân trở lại làm việc.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm