Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trở về với khúc đồng dao của tuổi thơ

Những câu chuyện được Kao Sơn kể trong "Khúc đồng dao lấm láp" giống như những ghi chép trong cuốn nhật ký thuở nhỏ, được chắt chiu từ biết bao nhiêu ngày tháng.

“Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Tới ngõ nhà trời

Lạy cậu lạy mợ...”

Truyện lấy khúc mở đầu của bài đồng dao Dung dăng dung dẻ để bắt đầu. Kết cấu truyện chia thành 5 khúc, ứng với 5 câu sau của bài đồng dao, “Cho chó về quê/ Cho dê đi học/ Cho Cóc ở nhà/ Cho Gà bới bếp/ Ù ùa ù ập”.

Nhìn từ kết cấu đã thấy đượm lên mùi thơ bé. Hình ảnh mấy đứa trẻ túm áo nhau, nhong nhong trên đường làng, vừa đi vừa hát khúc đồng dao giản dị, mộc mạc ấy hiện lên sống động và vui tươi biết bao nhiêu. Tuổi thơ lưu giữ tất cả ở đây, từ những cô bé cậu bé lớn lên giữa lấm lem đồng ruộng và rơm rạ, như Cao, Quyết, Tâm, Túc, với vô số những trò nghịch dại, những lần trốn học bị mẹ đánh, những khi đánh nhau với bạn rách cả quần áo, hay đi ra chợ ăn quà vặt, rồi đánh đáo, búng bi, nhảy dây, tất thảy đều được gói gọn trong “Khúc đồng dao lấm láp”.

Những câu chuyện được Kao Sơn kể trong Khúc đồng dao lấm láp giống như những ghi chép trong cuốn nhật ký thuở nhỏ, được chắt chiu từ biết bao nhiêu ngày tháng. Những trang viết đã nhuốm màu thời gian, phai vàng rồi nên giọng kể ngây ngất trong trẻo mà lại gợi lên một nỗi buồn vô hạn. Cũng bởi khúc đồng dao ấy được khơi dòng từ mạch ngầm của hoài niệm, nên chất chứa hoài niệm, háo hức, vui tươi mà cũng không thoát khỏi cảm xúc tiếc nuối.

Ký ức vốn là những dấu lệ rơi, là những điều ta có thể nhìn thấy mà mãi mãi không còn quay về để chạm vào một lần nữa, nên Kao Sơn thực viết “khúc đồng dao” này để là tìm một vé quay về ký ức, cũng là đắm vào một giấc mộng dài để ngồi hát dung dăng dung dẻ...

Tuổi thơ vằng vặc ở đó như những hạt mầm được giấu kín. Viết về tuổi thơ, Kao Sơn đã lẩy ra được những hạt mầm thật chắc, thật đẹp, gợi lại ký ức tuổi thơ từ rất xa, ở một làng quê Bắc Bộ nơi tác giả đã từng sống.

sach Khuc dong dao lam lap anh 1
Tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp của nhà văn Kao Sơn.

Viết về trẻ thơ bằng một giọng văn đầy chất thơ ca, Khúc đồng dao lấm láp không chỉ gợi về một nỗi luyến tiếc đẹp đẽ của tuổi thơ mà ở đó còn chất chứa rất nhiều những câu chuyện đời sống sâu lắng, được cài cắm khéo léo duyên dáng bởi tài viết của Kao Sơn, như nhà văn Ma Văn Kháng đã từng chia sẻ về tác phẩm này: “Truyện biểu lộ năng lực đi sâu mô tả tâm lí trẻ thơ, năng lực tìm biết, phát hiện những vùng sâu kín trong tâm hồn thơ dại, nơi đầu nguồn nhân cách của các em… Bằng ngôn ngữ tỉnh lược, hàm súc, một chú bé kể lại chuyện đời mình… rất thật thà, thật thơ ngây, tự nhiên và không ít tâm trạng. Giàu chất sống hiện thực, truyện có những khám phá đặc sắc trong đó rất đáng chú ý là cái phần chìm sâu không nói ra…”

Bước vào thế giới của “khúc đồng dao” ấy là được quay trở về với thế giới đầy chộn rộn hứng khởi, đầy quậy phá thơ ngây mà cũng chất chứa vô vàn những tủi thân, những uất ức giấu kín của trẻ con mà người lớn, dù đã từng là trẻ con, nhưng lại không thể nào thấu hiểu được. Và cứ như thế, từng trang sách trải ra như từng câu đồng thoại được cất lên, gọi về biết bao âm vọng, nhưng dường như vì thế vừa khúc khích ấy mà lại ngẩn ngơ ngay được. Ký ức vừa ấm áp lại vừa xa xôi đến thế.

Kao Sơn hẳn đã dùng rất nhiều chất liệu của đời mình, với những trải nghiệm tuổi thơ của mình để tạo nên một câu chuyện gần gũi, và chân thật đến thế. Được biết từ nhỏ Kao Sơn vốn là đứa trẻ nghịch ngợm, thích trêu chọc đùa giỡn quậy phá nhất làng.

Lớn lên lại say mê với cái thú thích xê dịch, hầu như nơi nào có thể cũng đã đến. Dù học Bách Khoa và có một khoảng thời gian làm kỹ thuật, nhưng cái nghiệp văn chương cuối cùng Kao Sơn cũng dính vào, và không thoát ra được. Kao Sơn là một tác giả đa tài. Ông không chỉ viết văn mà còn sáng tác thơ ca, vẽ tranh và chụp ảnh.

Ông cũng đã đạt rất nhiều giải thưởng văn học như: Giải Ba Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 1986 cho tác phẩm Mùa hoa đã đến; Giải thưởng UBTQ LH các Hội VHNT VN năm 1995 cho tác phẩm Người hát thánh ca; Giải A NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn VN 2000 - 2001 cho “Khúc đồng dao lấm láp”;.

Hiện nhà văn Kao Sơn cùng gia đình sống và sáng tác tại TP.HCM.

Dạ Vũ

Bạn có thể quan tâm