Lịch sử Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn triều Nguyễn với những thăng trầm cùng những diễn biến phức tạp đang để lại những khoảng trống như vậy. Và công trình biên khảo Vua Gia Long & người Pháp của tác giả Thụy Khuê được xem như là một nỗ lực trong việc vén những lớp mây mù đó.
Trong buổi thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 22/2/2017, GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã chỉ ra một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1757 chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ Việt Nam hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. GS.NGND Phan Huy Lê khẳng định: “Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ - không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.
Công trình biên khảo Vua Gia Long & người Pháp. |
“Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn” - đây cũng chính là mục đích mà công trình biên khảo Vua Gia Long & người Pháp hướng đến. Triều đại nhà Nguyễn kéo dài từ 1802 – 1945, nhưng cuốn sách của tác giả Thụy Khuê chỉ khuôn gọn vào một chi tiết lịch sử là xác minh hành trạng của những người Pháp bên cạnh Nguyễn Ánh thời còn kình chống với Tây Sơn và lên ngôi vua về sau. Thêm vào đó là cái án người Việt dành cho nhà vua qua công thức: "Gia Long cõng rắn cắn gà nhà". Vấn đề thực hư ra sao?
Tác giả chia sẻ: “Hơn 50 năm sống ở Pháp cho phép tôi nhìn người Pháp một cách công bằng hơn, coi họ như một thực thể con người, không phải bọn "thực dân tàn ác", cũng không phải là một dân tộc "cao" hơn, giỏi hơn chúng ta về mọi mặt, một sự "cao sang" của người Âu, da trắng, chúng ta muốn mà không đạt nổi, đã biến thành cách lập ngôn "như Tây". Ở Pháp, tôi mới hiểu ra rằng: Chỉ khi mặc cảm thấp hèn của dân thuộc địa bị tiêu diệt rồi, ta mới có thể nhìn người Pháp một cách bình đẳng, để điều tra thẳng thắn lại lịch sử Pháp - Việt. Cuốn sách này nằm trong mục đích đó”.
Để có thể tìm lại công trạng đích thực của những người Pháp đến giúp Gia Long, nhà nghiên cứu đã cất công tìm từ những nguồn tư liệu cả trong và ngoài nước, trong đó có những tư liệu lịch sử mới lưu trữ tại các tàng thư công, tư, tôn giáo ở Châu Âu (chủ yếu là ở Pháp).
Tất cả những cố gắng đó nhằm để xem những người Pháp ấy đến nước ta, đã sống, đã tham dự vào các sự kiện lịch sử xảy ra thời Gia Long khởi nghiệp như thế nào, mức độ ảnh hưởng của họ đối với Vua Gia Long và các vị vua kế vị ra sao... Và liệu rằng, nếu không có những người Pháp nói trên thì Nguyễn Ánh sẽ gặp vô vàn khó khăn khi chống lại Tây Sơn, thậm chí còn có thể thất bại - như các sử gia phương Tây đã khẳng định hay không?
Thận trọng trong tác phẩm của mình, tác giả chỉ đặt tên sách là Khảo sát về ảnh hưởng của người Pháp trong giai đoạn triều Nguyễn, nghĩa là chưa kết luận bởi có thể còn nhiều tư liệu lịch sử lẩn khuất đâu đó. Vấn đề mà cuốn sách đặt ra có lẽ sẽ mở đầu cho những phát kiến mới, cho những thảo luận sôi nổi nhằm dựng lại được bức tranh khách quan và đầy đủ nhất về những người Pháp bên cạnh Nguyễn Ánh - Gia Long trong giai đoạn lịch sử vô cùng phức tạp này của nước ta.