Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trở tay không kịp với sóng nhiệt tàn khốc

Làn sóng nhiệt gần đây đã làm dấy lên những lo ngại về cách các thành phố Bắc Âu có thể đối phó với thời tiết khắc nghiệt do sự nóng lên toàn cầu.

nang nong o Chau Au anh 1

Khi mây đen kéo đến London (Anh) vào tối 19/7, chúng mang theo những cơn mưa “quý hơn bao giờ hết", giúp xua đi bầu không khí oi ả sau đợt nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lần đầu tiên lên tới 40 độ C, gây cháy rừng, làm gián đoạn hệ thống đường sắt và đặt dịch vụ y tế vào tình trạng căng thẳng.

Cái nóng đã dần tan vào hôm 20/7 nhưng để lại đằng sau những nỗi lo ngại về cách London và các thành phố châu Âu có thể chống chọi với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra ngày càng thường xuyên.

Philipp Rode, người điều hành LSE Cities, trung tâm nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, cho biết thực tế chứng minh những người chỉ trích, gọi cảnh báo trước đây của các chuyên gia, nhà khoa học khí hậu là “kích động", “loạn trí" mới là người sai.

Ông nhấn mạnh London và các thành phố châu Âu khác ở vĩ độ phía bắc - nơi mà trước đây nắng nóng là mối đe dọa hiếm gặp - cần phải thích nghi mới có thể sống được.

“Chúng tôi đã thiết kế một hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp, từ đường sắt, hệ thống năng lượng, cho đến các tòa nhà bệnh viện và trường học, phù hợp với một điều kiện khí hậu cụ thể (trong khoảng âm 10-35 độ C)”, tiến sĩ Rode nói.

Nhưng giờ đây, Anh đang chứng kiến làn sóng nhiệt kỷ lục “vượt qua mức đó, và điều này có thể dẫn đến những sự sụp đổ”, ông cho biết.

nang nong o Chau Au anh 2

Nhân viên một nhà hàng nghỉ ngơi trong đợt nắng nóng ở London, Anh vào ngày 19/7. Ảnh: Reuters.

Làn sóng nhiệt bất thường

Các nhà khoa học nói rằng các đợt nắng nóng ngày càng trở nên thường xuyên với cường độ mạnh, nhanh hơn ở châu Âu so với hầu hết khu vực khác trên hành tinh.

Trong tuần qua, dịch vụ xe cứu thương London cho biết họ liên tục nhận được các cuộc gọi. Nhu cầu tăng cao khiến dịch vụ y tế phải chịu "áp lực cực lớn" trước hậu quả trực tiếp của đợt nắng nóng.

Dữ liệu ban đầu cho thấy hôm 19/7, các cuộc gọi khẩn cấp để điều trị trường hợp sốc nhiệt đã tăng gấp 10 lần so với tuần trước.

Trong khi đó, sáng 20/7, Thị trưởng London Sadiq Khan kể lại hôm 19/7 là ngày bận rộn nhất của lính cứu hỏa thành phố kể từ Thế chiến thứ II.

Sở Cứu hỏa London nhận được 2.600 cuộc gọi trong ngày 19/7, so với con số trung bình là 350.

“Những điều này cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C”, ông chia sẻ với BBC.

Thế nhưng, các nhân viên cứu hỏa cho biết nhiều năm bỏ bê khiến họ không có sự chuẩn bị trước. Một số đội đã làm nhiệm vụ trong 14 giờ liên tục không ngừng nghỉ, trong khi không có sẵn thức ăn, nước uống hay đồ dự phòng.

Đội cứu hỏa của London cho biết tình trạng thiếu nhân sự khiến hơn 1/4 số xe chữa cháy không thể hoạt động vào hôm 20/7.

Tại thời điểm đó, mọi lực lượng và phương tiện có thể sử dụng đã được huy động, không còn bất cứ phương án dự phòng nào ngay cả khi có tình huống khẩn cấp mới, một quan chức công đoàn nói thêm.

Thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra cũng khiến các thành phố châu Âu bị ngập lụt nghiêm trọng. Một năm trước, những cơn bão mùa hè dữ dội đã tàn phá từ Anh đến Croatia. Tây Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, London ghi nhận ​lượng mưa cả tháng chỉ trong một ngày, khiến phần lớn thành phố ngập lụt.

“Chúng tôi hy vọng là đó là hồi chuông cảnh tỉnh”, Tiến sĩ Rode nói. "Đây chỉ là một phần của những gì sắp xảy ra".

nang nong o Chau Au anh 3

Một người đàn ông ngồi ở đài phun nước trong thời tiết nóng nực tại London, Anh vào ngày 18/7. Ảnh: Reuters.

Không kịp chuẩn bị

Những ngôi nhà ở Bắc Âu chủ yếu được xây dựng để giữ nhiệt thay vì tản nhiệt ra ngoài và nhiều ngôi nhà có khả năng thông gió kém.

Trong khi đó, ở một thành phố đông đúc như London, các yếu tố như chất lượng không khí kém, vỉa hè rộng và tương đối ít bóng cây xanh làm gia tăng tác động nắng nóng, Léan Doody, người đứng đầu dự án quy hoạch và thành phố tích hợp tại châu Âu của tập đoàn Arup, cho biết.

Trên thực tế, nhiều thành phố lớn ở châu Âu vẫn chưa chuẩn bị cho hiện tượng thời tiết cực đoan mới này, khiến các nhà chức trách phải vật lộn để đối phó.

“Tôi nghĩ chúng ta cần đẩy nhanh mọi thứ hơn nữa”, bà Doody nói. “(Chúng ta) cần phải nhận thức rõ về những rủi ro này”.

Trong một tuyên bố gần đây, người phát ngôn của văn phòng thị trưởng London cho biết ông “hiểu rằng cần phải có hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu”.

“Ông ấy đang triển khai những hành động triệt để nhất, so với bất cứ thành phố nào trên thế giới, để London thích nghi với biến đổi khí hậu”, theo tuyên bố.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nhấn mạnh thêm chính phủ Anh đã “thiếu chuẩn bị trước sự kiện nắng nóng này và thực tế là chúng ta đang phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu”. Tuyên bố cho biết cần phải có hành động ngay bây giờ để “giải quyết nguy cơ nóng quá mức ở London”.

Văn phòng thị trưởng cho hay họ đã làm việc với chính quyền địa phương trên toàn thành phố để đảm bảo rằng những đối tượng dễ bị tổn thương nhất có thể đến nơi nào đó để tránh đợt nắng nóng.

nang nong o Chau Au anh 4

Nhiệt độ cao đã khiến hệ đường sắt ở Anh bị gián đoạn nghiêm trọng. Ảnh: AP.

Tại các thành phố, cảnh quan thiên nhiên đã bị thay thế bằng những tòa nhà bê tông và mái tôn, dẫn đến hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị" - mối quan tâm lớn khi khí hậu ấm lên.

Trong bối cảnh đó, “Kế hoạch London”- một kế hoạch phát triển dài hạn cho thành phố - đã được thúc đẩy, khuyến khích các nhà xây dựng, kiến trúc sư thiết kế cơ sở hạ tầng có thể chống chọi với tình huống thời tiết khắc nghiệt.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình nói rằng điều này không đủ để giải quyết vấn đề với mức độ khẩn cấp như hiện nay.

Nếu không giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, việc thay đổi các thành phố sẽ không bao giờ là đủ, theo Tiến sĩ Rode.

Ông cho rằng bất chấp các khoản đầu tư và công nghệ, có những hoàn cảnh, điều kiện vượt quá khả năng thích ứng của con người.

Và làn sóng nhiệt tuần vừa qua cho thấy rõ sự thích ứng đó thậm chí hầu như còn chưa bắt đầu. Nhiều viện dưỡng lão tại các tòa nhà cũ, thông gió kém, ở Anh đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn nước, không khí mát cho những cư dân cao tuổi.

Trong khi đó, các bậc cha mẹ phải đau đầu tính toán xem liệu nên để con mình ở nhà, trong những căn hộ nóng nực hay gửi chúng đến những trường học cũng nóng không kém.

Việc di chuyển bằng tàu điện ngầm ở London cũng là cơn ác mộng vào mùa hè khi hầu hết chuyến tàu không có điều hòa và các đường hầm cũ có ít trục thông gió.

Các đường ray xe lửa có thể giãn nở và cong vênh trong điều kiện nhiệt độ cực cao, khiến một số chuyến tàu đã bị hủy bỏ.

Simon Fox đã bị mắc kẹt ở London hai ngày sau khi chuyến tàu đến Leeds bị hủy.

Anh cho biết anh cảm nhận được “sự cam chịu mệt mỏi của một bộ phận người dân, những người đã quá quen với cơ sở hạ tầng xuống cấp”.

Đường băng bị chảy nhựa vì nắng nóng kỷ lục ở Anh Sân bay Luton, Anh, hôm 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng kỷ lục, lên tới trên 37 độ C.

Cách thế giới tránh nắng nóng từ Đông sang Tây

Ở Ấn Độ, người dân thoa bột xoài lên da để giữ nhiệt cho cơ thể. Ở một số nơi khác như Mauritania, cư dân hạn chế ra đường ban ngày và chỉ ló mặt khỏi nhà khi trời tắt nắng.

Chưa qua ngày hè đổ lửa, châu Âu đã phải lo về mùa đông sắp tới

Nắng nóng gay gắt đang gây thêm sức ép cho hệ thống năng lượng châu Âu, khi nhu cầu lớn đẩy giá điện tăng cao và tạo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng khí đốt trong mùa đông tới.

Minh An

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm