Nếu HLV Park Hang-seo từng là trợ lý tuyển Hàn Quốc vào tới bán kết World Cup 2002 thì trợ lý Lee Young-jin cũng hai lần đến Cúp thế giới với tư cách cầu thủ vào các năm 1990 và 1994. Trải nghiệm của ông Lee là điều quý giá với tuyển Việt Nam cho mục tiêu đoạt vé tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Lee Young-jin lần đầu được gọi lên tuyển quốc gia năm 1989, khi đã 26 tuổi. Chia sẻ trên Korea Institute of Livestock Area History Statistics, ông nhớ lại: “Tôi chưa từng được gọi lên tuyển Olympic. Tôi cũng không nhận được sự chú ý đặc biệt nào. Nhưng sự ổn định và chuyên nghiệp trong nhiều năm cuối cùng đã giúp tôi có được phần thưởng ngọt ngào”.
Tiền vệ Lee Young-jin (phải) trong trận gặp tuyển Đức ở World Cup 1994. Ảnh: Getty. |
Hai lần dự World Cup
Gia nhập tuyển Hàn Quốc từ vòng loại World Cup 1990, Lee chơi tốt và có cơ hội cạnh tranh vị trí chính thức. Đến vòng chung kết World Cup 1990 tại Italy, ông được đá chính trong trận mở màn của tuyển Hàn với người Bỉ. Nhưng đó không phải một kỷ niệm đẹp với ông.
“Tôi theo kèm Enzo Scifo (huyền thoại tuyển Bỉ, 4 lần có tên trong danh sách đề cử Quả bóng vàng - PV). Và tôi hoàn toàn choáng ngợp. Anh ta không quá nhanh, cũng không to cao, nhưng tôi vẫn bất lực khi theo kèm anh ta. Đó là lúc tôi nhận ra rằng một trong những điều quan trọng nhất của bóng đá là khả năng ra quyết định và đánh lừa đối thủ. Sau đấy, tôi đã luôn nghĩ về việc phải có đủ khả năng ngăn chặn những cầu thủ nhanh nhẹn, tinh quái”.
World Cup 1990 cũng không phải kỷ niệm đẹp với bóng đá Hàn Quốc. Người Hàn đã ở một bảng đấu quá khó. Ngoài Bỉ, họ cũng đụng độ Uruguay và Tây Ban Nha. Tuyển Hàn Quốc toàn thua, ghi được 1 bàn, để lọt lưới 6 lần.
Nhưng chính những trải nghiệm ấy đã giúp ông Lee và người Hàn trưởng thành.
Bốn năm sau, trở lại World Cup trên đất Mỹ, bóng đá Hàn Quốc nói chung và Lee nói riêng đã khiến thế giới phải thay đổi cái nhìn về họ. Trong một bảng đấu cũng rất khó, tuyển Hàn cầm hòa Tây Ban Nha, Bolivia, chỉ thua 2-3 trước đương kim vô địch thế giới Đức. Nếu một trong 2 trận hòa chuyển thành chiến thắng, Hàn Quốc đã lần đầu vượt qua vòng bảng Cúp thế giới.
Lần này, Lee đá chính cả 3 trận, chỉ một lần bị thay ra. Ông nhớ lại trong nuối tiếc: “Ở World Cup 1990, tôi chẳng nhìn nổi cái gì trên sân. Tôi sợ chết khiếp khi bóng chuyền tới cho mình và chỉ muốn đẩy nó tới chỗ người khác càng nhanh càng tốt. Nhưng đến năm 1994, tôi đã biết hãm bóng, chờ đợi và chuyền bóng theo bước di chuyển của đồng đội. Tôi hiểu rằng chẳng có điều gì quý giá bằng những trải nghiệm”.
“Nếu chúng tôi làm được nhiều hơn một chút ở thời điểm ấy, liệu Hàn Quốc có vào vòng 16 đội World Cup? Và nền bóng đá của chúng ta có mạnh mẽ hơn, có tiến xa hơn bây giờ không? Hàng chục năm đã qua, mỗi lần nghĩ về chuyện đó, tôi lại càng tiếc nuối”, trợ lý thầy Park kể lại.
Trợ lý Lee và ông Park Hang-seo tại Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Quyết tâm cùng cái đầu bù đắp cho chiều cao
Đi kèm vinh quang ở đội tuyển, nửa sau sự nghiệp của Lee Young-jin cũng có những thành tựu đáng nể. Từ chỗ là đàn em của ông Park Hang-seo ở đội Lucky-Goldstar Hwangso (tiền thân của CLB Seoul ngày nay), ông dần trở thành huyền thoại của đội bóng. Ông Lee một lần vô địch, 2 lần giành á quân K.League. Ở tuổi 28, ông lần đầu có tên trong đội hình tiêu biểu K.League 1991. Ngày chia tay Lucky-Goldstar Hwangso, di sản của Lee là hơn 200 trận trong 10 năm. Ông cũng có 51 trận khoác áo tuyển Hàn Quốc, một thành tích đáng tự hào.
Trợ lý tương lai của tuyển Việt Nam càng được nể phục hơn bởi ông giành tất cả những điều đó chỉ với chiều cao 1,68 m cùng cân nặng 60 kg ở thời đỉnh cao. Đá ở vòng tròn trung tâm, ông Lee sẽ giống một cầu thủ “tí hon” nếu vẫn thi đấu trong môi trường bóng đá ngày nay.
Nhưng sự thiệt thòi bẩm sinh ấy chỉ càng khiến động lực cố gắng của ông mạnh mẽ hơn: “Tôi chẳng bao giờ thất vọng vì chiều cao của mình. Thể chất không bằng mọi người càng khiến tôi quyết tâm hơn để không thua kém những đối thủ to cao. Để rèn luyện khả năng ra quyết định thật nhanh, tôi cố gắng có được tầm nhìn bao sân. Muốn chuyền bóng tốt, bạn phải bắt đầu từ việc nghĩ và phán đoán”.
“Nếu những anh chàng cao lớn kia chỉ phải sử dụng 70% sức mạnh của họ suốt cả trận, tôi học cách tập trung cao độ để luôn phát huy tối đa 100% năng lực. Tôi không chỉ muốn một cuộc đấu cơ bắp tay đôi, tôi muốn cái đầu và sự tập trung cùng tham gia”, người đang là trợ lý số một ở tuyển Việt Nam nhớ lại.
Sự tập trung, quyết tâm cao độ ấy cũng là những điều tuyển Việt Nam cần có ở 3 trận cuối vòng loại World Cup sắp tới. Một đội tuyển nhỏ bé cũng có thể đánh bại UAE cũng giống như cách chàng tiền vệ cao chưa tới 1,7 m Lee Young-jin làm nên sự nghiệp tại World Cup.