HÌnh ảnh bà Lê Thị Thu Nguyệt thời còn trẻ. Ảnh: NVCC. |
Anh hùng LLVTND, bà Lê Thị Thu Nguyệt (sinh năm 1944) là nhân vật chính trong cuốn truyện ký Nụ cười chim sắt của nhà văn Thu Hương.
Cuốn sách không chỉ là những kỷ niệm mà còn là tâm huyết của bà Thu Nguyệt mong muốn được đem câu chuyện của mình đến với thế hệ trẻ. Những cuộc chiến của bà cách đây hàng thập kỷ nhưng vẫn đem lại cảm hứng về tình yêu tổ quốc, yêu hòa bình đến với người đọc.
Chỉ khi gặp gỡ bên ngoài, người đọc mới cảm nhận rằng "cô giao liên" Nguyệt không chỉ là một nhân vật trong trang sách. Dù chiến tranh và tù đày gian khổ đã lấy đi sức khỏe nhưng nét gai góc và mạnh mẽ của người biệt động năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong phong thái, lời ăn tiếng nói của bà Nguyệt.
Chia sẻ về cuốn sách, bà Thu Nguyệt tâm sự: "Nguyệt trong Nụ cười chim sắt là một phiên bản trong sáng nhẹ nhàng hơn nhưng cũng đầy cá tính. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn còn nhiều trăn trở mà chưa trải lòng hết trong cuốn truyện ký".
Những bức thư của ông Lê Đình Lang (bố của bà Thu Nguyệt) là một trong những điều làm nên tinh thần thép của cô tuyên truyền viên ngày ấy. Đối với bà, những lá thư ông Lang gửi luôn đong đầy yêu thương. Mỗi khi nhận được thư, bà đều cất giữ chúng rất cẩn thận. Mỗi dòng thư là một lời nhắc nhở ân cần bà Nguyệt phải chăm lo cho các em, giúp bố liên lạc với mọi người, cố gắng học tập sao cho tốt.
Trong những trang viết của ông Lang, mở đầu luôn là dòng “Con thương nhớ của ba”, “Nguyệt thương nhớ” và tái bút lại là câu “Ba của con”. Câu văn như lời nhắc đi nhắc lại để cô con gái của mình hiểu ông đã ngóng trông ngày trở về với gia đình như nào.
"Niềm hy vọng dần dần biến thành sự thật, đó là con đã chiến thắng trở về và từng ngày miền Nam như vầng hồng lóe sáng, không còn bao lâu nữa những đau thương của ba cũng như các con sẽ được toại nguyện. Nói như thế không phải ba đang lạc quan tếu đâu mà một người cách mạng luôn phải cảnh giác đúng không con nhỉ?", ông Lang viết cho bà Nguyệt sau khi bà được đưa ra khỏi nhà tù chính quyền Mỹ-Diệm.
Bà Nguyệt tìm đọc lại những lá thư ông Lê Đình Lang gửi cho mình. Ảnh: Đức Huy. |
Câu chuyện trong Nụ cười chim sắt kết thúc tại giai đoạn bà Nguyệt được ra tù. Nhưng đối với bà, hòa bình chỉ được tìm lại khi gặp lại bố mình trong chuyến đi ra Hà Nội. Dù chỉ là một thời gian ngắn nhưng bà Nguyệt cảm giác như nó đã bù đắp cho hàng năm trời thiếu vắng bóng hình của cha. Sau đó, bà Nguyệt lại trở vào miền Nam theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam để tiếp tục kháng chiến giành độc lập.
Khi đất nước được thống nhất, bà Nguyệt mới bắt đầu đi tìm lại những bức thư của cha từ chiến khu cũ. Một số đã bị tiêu hủy khi bà bị địch bắt, một số vẫn còn giữ lại. Bà gói chúng lại thành một tập và mong rằng sau này các con mình sẽ đọc để hiểu về những năm tháng chiến tranh gian khổ ngày ấy.
Bà Thu Nguyệt còn cho biết thêm trong thời gian tới bà muốn thực hiện một cuốn hồi ký của bản thân. Câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở những năm tháng chiến tranh. Nó còn là những cuộc chiến mới trong thời bình với tư cách là một người vợ, người mẹ.
Vì sức khỏe yếu nên bà Nguyệt không thể tham gia vào các hoạt động tọa đàm, chia sẻ như trước. Vì vậy cuốn sách tới đây là cách để bà có thể tiếp tục hành trình lan tỏa tình yêu của mình với cách mạng, đất nước và quê hương.