Chưa khi nào Ronaldo chịu áp lực như ở giải này. Điều đó thể hiện qua những con số đầy ức chế. Mặc dù có 20 cú sút tại EURO 2024, nhiều nhất trong số các cầu thủ tham gia giải, CR7 vẫn chưa thể ăn mừng tại Đức.
Trong một thế trận mà Bồ Đào Nha gặp bế tắc trước sự ngoan cường của Slovenia, cầu thủ 39 tuổi đứng trước cơ hội trở thành người hùng khi đội nhà được hưởng quả phạt đền ở phút 105. Từ cự ly 11 m, Ronaldo tung cú đá vào góc xa bên phải quen thuộc, nhưng bị Oblak cản phá.
Dù đá hỏng phạt đền, nhưng không thể phủ nhận rằng Cristiano Ronaldo là một trong những chuyên gia sút 11 m hàng đầu trong lịch sử bóng đá.
Tỷ lệ thành công hơn 80%
Theo Wired, tỷ lệ một quả phạt đền thành công là khoảng 70%. Tại World Cup 2022, 22/29 cú sút luân lưu được thực hiện thành công, đạt tỷ lệ 76%.
Tính đến đầu EURO 2024, 88 quả phạt đền đã được thực hiện trong giải đấu này, với tỷ lệ thành công là 70% (62 cú sút thành bàn).
Các loạt sút luân lưu, vốn được đưa vào EURO từ năm 1976 và World Cup năm 1978, cũng có tỷ lệ chuyển hóa gần như tương tự.
Xét trên toàn bộ lịch sử giải đấu, trong những loạt "đấu súng" ở World Cup, 222/320 quả phạt đền được thực hiện thành công ( tỷ lệ 69%). Tại Euro, tỷ lệ chuyển đổi cao hơn một chút, với 178/232 cú sút đưa bóng vào lưới (77%).
Trong khi đó, thống kê của trang MessivsRonaldo cho thấy trong cả sự nghiệp, Cristiano Ronaldo đã sút thành công 164/194 quả phạt đền, đạt hiệu suất lên đến 84,5%.
Với 19 quả phạt đền thành công, CR7 là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất từ chấm 11 m trong lịch sử Champions League. |
Với 19 quả phạt đền thành công, CR7 cũng là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất từ chấm 11 m trong lịch sử Champions League.
Điều này lý giải vì sao CR7 luôn là lựa chọn số một cho vị trí người sút 11 m, bất kể là ở CLB hay cấp ĐTQG.
Tuy nhiên, ngay cả một chuyên gia như Ronaldo cũng không thể "miễn nhiễm" trước sức ép ở một giải đấu lớn của cấp ĐTQG như EURO hay World Cup.
Theo thống kê của SofaScore, lần đầu tiên kể từ tháng 2/2022, tiền đạo 39 tuổi mới lại sút phạt đền hỏng. Tệ hơn nữa, CR7 đã trở thành cầu thủ châu Âu đầu tiên trong thế kỷ 21 sút hỏng 3 trong số 9 quả 11 m ở các giải đấu lớn (gồm EURO và World Cup).
Khi hiệp phụ thứ nhất khép lại, Ronaldo cúi đầu và bật khóc, khiến các đồng đội phải chạy đến an ủi đội trưởng và là người anh lớn của họ.
Phần lớn NHM đều lo lắng thảm họa sẽ một lần nữa diễn ra khi trận đấu phải bước vào loạt sút luân lưu định mệnh.
Tuy nhiên, Ronaldo vẫn là Ronaldo. Anh sẵn sàng nhận trách nhiệm thực hiện quả đá phạt đền đầu tiên cho Bồ Đào Nha và thực hiện thành công.
Tinh thần thép và sự liều lĩnh đáng kinh ngạc
Lựa chọn danh sách cầu thủ lãnh trách nhiệm đá phạt đền cũng là một thống kê thú vị. Người sút đầu tiên lý tưởng nhất vẫn là các đội trưởng, với tỷ lệ ghi bàn 25/31 quả, đạt tỷ lệ thành công 81%. Điều này cho thấy thủ lĩnh đội bóng có thể đối phó với áp lực tốt hơn hơn hầu hết cầu thủ trong đội.
Điều tạo nên một quả phạt đền tốt trước hết phải nằm ở chính người sút. Tâm lý đóng vai trò then chốt khi bước lên chấm 11 m. Một chuyên gia sút phạt đền sẽ biết mình phải sút vào đâu và không bị sao nhãng cho đến khi bóng rời chân.
Ronaldo sẵn sàng nhận trách nhiệm thực hiện quả đá phạt đền đầu tiên cho Bồ Đào Nha, dù trước đó vừa đá hỏng trong hiệp phụ. |
Alan Shearer, cựu danh thủ người Anh và cũng là một chuyên gia sút phạt đền với 56 lần thực hiện thành công ở Ngoại hạng Anh, cũng phải thán phục Ronaldo vì quyết định dũng cảm này.
"Việc thực hiện một quả phạt đền cũng đã đủ khó rồi. Trong khi đó, Ronaldo lại còn thực hiện một quả phạt đền khi trước đó đã sút hỏng vào thời điểm quan trọng. Thật không thể tin được”, Shearer bình luận.
Một điều thú vị là ở thời khắc căng thẳng như vậy, tiền đạo 39 tuổi đã dám thay đổi thói quen của bản thân.
Kể từ khi chuyển đến thi đấu ở Saudi Arabia, Ronaldo đã cải thiện thói quen chạy đà trước khi đá phạt đền. Cụ thể, sau tiếng còi của trọng tài, số 7 sẽ đi bộ trong khi vẫn duy trì giao tiếp bằng mắt với thủ môn.
Sau đó, Ronaldo sẽ đột ngột tăng tốc trong vài bước cuối cùng trước khi thực hiện cú đá để tạo ra lực đưa bóng vượt qua tầm với thủ môn.
Sự tăng tốc đột ngột này không cho thủ môn thời gian để bay người trước và cho phép Ronaldo đưa bóng vào góc dưới một cách thoải mái.
Kể từ khi điều chỉnh thói quen chạy đà, Ronaldo đã sút thành công toàn bộ 18 quả phạt đền. Tuy nhiên, cách đá đó đã bị Oblak bắt bài.
Thay vì lựa chọn an toàn là làm theo những gì quen thuộc, CR7 đã thực hiện cú sút luân lưu đầu tiên theo cách hoàn toàn khác.
Ivan Toney được cho là một trong những cầu thủ đá phạt đền hàng đầu thế giới hiện nay, với tỷ lệ thành công lên đến 94% ở 32 quả phạt đền.
Trong bước chạy đà, thay vì giảm tốc, Toney thường đi chậm về phía quả bóng, nhưng sau đó có thể tăng tốc khi nhìn thấy thủ môn không muốn di chuyển sớm.
Việc thay đổi thói quen của Ronaldo trong cú sút phạt đền thứ hai đã khiến Jan Oblak dù rất cố gắng nhưng không thể với tới quả bóng. |
Cách sút này giúp người sút có hai lựa chọn. Ở lựa chọn đầu tiên, cầu thủ sút bóng sẽ đợi thủ môn di chuyển rồ dứt điểm về hướng ngược lại.
Nếu người gác đền không di chuyển, người sút sẽ tăng tốc độ một chút trong những bước chạy đà cuối. Khi thủ môn đã chọn đứng im, họ không thể tạo ra lực bật đủ để với tới các khu vực góc trên của khung thành.
Ronaldo đã thực hiện hoàn hảo kỹ thuật này, khi anh khựng lại lúc chạy đà để đoán ý đồ của Jan Oblak. Lần này Oblak cũng đổ người đúng hướng, nhưng việc đổ người chậm đã khiến thủ thành này không thể với tới quả bóng đã được CR7 găm vào góc khung thành.
Don Macpherson, nhà tâm lý học thể thao có tiếng ở Anh, đánh giá Cristiano Ronaldo là hình mẫu hoàn hảo để cải thiện khả năng sút 11 m. "Sút 11 m không giống như chơi xổ số. Đó là một cuộc chiến và bạn phải chuẩn bị cho cuộc chiến đó thật tốt", ông nói.
Dù muộn màng, nhưng Ronaldo vẫn không làm NHM thất vọng. Ở tuổi 39, kỹ năng có thể đã bị mai một, nhưng CR7 vẫn chứng minh bản thân là cầu thủ xuất sắc bằng sức mạnh tinh thần tuyệt vời.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.