Thuật ngữ siêu tiểu thuyết hay siêu hư cấu là một loại tiểu thuyết về tiểu thuyết, hư cấu trong hư cấu. Đó là sự lồng ghép câu chuyện này trong những câu chuyện khác, mà ở đó tác giả thể hiện được sự sáng tạo tự do, vô điều kiện của bản thân.
Tác phẩm siêu tiểu thuyết giống như một trò chơi tự sắp xếp cách chơi của nó. Sự liên kết giữa người đọc và tác giả được thể hiện như một sự mời gọi tham gia trò chơi. Cảm nhận của độc giả đôi khi sẽ bị nhầm lần vì những sự kiện có thực được kể bị nhiễu loạn, và hơn hết ranh giới để tìm ra đâu là sự thật đâu là hư cấu là vô cùng mờ ảo.
Tác phẩm Nếu một đêm đông có người lữ khách của nhà văn Italo Calvino có một cách mở đầu đã khá kỳ lạ. “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩa khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên tivi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người khác, “Không, tôi không muốn xem tivi!” Cao giọng lên, không thì họ chả nghe thấy bạn đâu – “Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy”…..”.
Italo Calvino không mô tả nhân vật của mình hoặc đặt họ trong không gian và thời gian phát triển của sự việc, ông phản ánh tâm lý của người đọc.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết được gọi là “người đọc”. Nhiệm vụ của anh ta là tiến hành cả một cuộc hành trình qua các vùng đất của sự đọc – một cuộc hành trình đầy khó khăn và liên tục bị gián đoạn.
Không phải vì những yếu tố bên ngoài như ở phần đầu cuốn tiểu thuyết đã nêu như tiếng ồn của tivi nhà hàng xóm, mà là do những hoàn cảnh không thể nào lường trước được.
Anh ta đã đọc cuốn sách một cách háo hức với 30 trang đầu tiên. Nhưng khi đọc lần lượt đến trang 32, anh thấy rằng thay vì đi vào trang 33, anh ta lại bị đưa về trang 17. Và từ đó anh ta phát hiện ra toàn bộ văn bản đều là sai lầm.
Người đọc phải thực hiện việc đọc bằng cảm giác và kinh nghiệm đọc, để cảm nhận rõ rằng sau mỗi chương về những thử thách và khó khăn của người đọc, chúng ta lại có cơ hội để đọc cùng anh ta.
Mỗi chương khác trong cuốn sách là một mẫu sách khác nhau của người đọc. Cách “cư xử” đó của tác giả khiến cho mỗi người đọc chúng ta đều có cảm giác hỗn độn, rối loạn, và bị chìm trong những dang dở, đứt gãy. Không biết phải bắt đầu và kêt thúc ở đâu.
Nhưng đó chính là cái cách đặc biết mà thể loại metafiction của chủ nghĩa hậu hiện đại đem lại. Và chính bản thân người đọc là chúng ta phải tự soi rọi sự thật bị ẩn đi đằng sau những hư cấu rối ren này.
Nhà văn Italo Calvino. |
Đến cuối cùng của cuốn sách, Calvino cho rằng đọc và viết là hai điều tốt nhất để lại cho con người. Ông đã gợi ý rằng những điều khiến chúng ta tồn tại chính là quá trình đọc và viết. Đó cũng là một quá trình tìm kiếm trong nghi ngờ dai dẳng không bao giờ kết thúc.
Và để ta nhận ra rằng trong sự hỗn loạn và nhầm lẫn của cuốn sách, theo cách sáng tạo của tác giả, chúng ta vẫn có thể thấy một hình ảnh của cuộc sống con người – bao gồm những cảm xúc vui, buồn, hy vọng, thất vọng…. của con người thật sự. Tiểu thuyết của Italo Calvino như là trò chơi, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và mãnh liệt, là một khởi đầu cho những bước tiến mới sau này của nghệ thuật tiểu thuyết.
Italo Calvino (1923 – 1985), nhà văn Ý, là một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học thế giới thế kỷ 20. Ông là tác giả nhiều tiểu thuyết và tiểu luận phê bình. Các tác phẩm của ông đã được dịch ở Việt Nam gồm Ngài Palomar, Nam tước trên cây, Nếu một đêm đông có người lữ khách, Hiệp sĩ không hiện hữu, Tử tước chẻ đôi, và Những thành phố vô hình.