Những thành phố vô hình bắt đầu hiện dần lên qua cuộc viễn du của chàng trẻ tuổi Marco Polo, thông qua cách chàng kể chuyện cho Hốt Tất Liệt, và cách chàng tận hưởng sự hiện hữu của thành phố bằng sự tưởng tượng của tâm hồn, những thành phố ấy đều ẩn dấu một ký ức sầu muộn.
Italo Calvino thách đố người đọc bằng một mê cung đô thị trĩu nặng những lớp lang ngữ nghĩa, nhưng cũng không vì thế mà ép chặt tâm trí vào những dày đặc ngồn ngộn triết lý ấy. Có nhiều cách để tiếp cận Italo, và “những thành phố vô hình” của ông. Bản thân tôi đã tìm cách neo vào cái khoảng mờ trong ký ức của chàng Marco Polo để đi lại trong không gian đô thị mà Calvino tạo dựng nên.
“Hình ảnh trong ký ức, một khi được cố định bằng lời nói, sẽ tự xóa bỏ. – Marco Polo nói – Có lẽ tôi sợ mất hết Venezia ngay, nếu tôi nói. Hoặc có lẽ, khi nói về các thành phố khác, tôi đã mất nó từng chút một”, khi Marco nói những điều ấy, chàng đã tự xác lập cho mình những hình ảnh về thành phố chỉ tồn tại trong ký ức của mình mà thôi.
Những thành phố được lưu lại trong chàng bằng những dấu hiệu. Chúng là thành phố vừa được chiêm ngưỡng bằng mọi giác quan vừa được phục dựng bằng sự u mê của ký ức. Thành phố lẩn trốn ở vô vàn những tấm lụa trắng muốt. Chúng ta cứ kéo mãi lên, thành phố cứ chập chờn ẩn hiện ở đó, nhưng là thành phố của tâm trí. Chúng ta không thể chạm vào được thành phố ấy nữa. Thành phố chỉ còn là những dấu hiệu của tưởng tượng.
Tác phẩm Những thành phố vô hình của Italo Calvino. |
Italo đặt những thành phố của ông trong một lớp sương mờ của ký ức. Thành phố hiện ra như những huyền diệu của không gian và thời gian. Một thành phố hay rất nhiều thành phố, tất cả chỉ là hư vô – là một vùng sóng sánh. Một vùng ký ức của sự hoài tưởng miên man.
Tôi nhìn thấy một màu trắng bạc của ký ức. Chỉ màu trắng ấy cứ phảng phất mãi trong những đô thị mà Marco đã đi qua. Mỗi thành phố là một tưởng tượng, một khái niệm, với những ham muốn, những dấu hiệu, những đôi mắt, những tên gọi, nó tồn tại trong sự không tồn tại, nó hiện diện trong sự vô hình.
Cuộc đối thoại – kể chuyện của người lữ khách trẻ tuổi với Hốt Tất Liệt, sau này chuyển thành một sự tưởng tượng. Những thành phố được vị Đại Hãn hình dung có thể nào là thành phố mà Polo đã đi qua. Sự bắt nối, sự liên kết giữa hai con người ở hai địa vị hoàn toàn khác nhau lại được trùng khít bởi những tưởng tượng đẹp đẽ vô cùng. Đó là sự thăng hoa của tưởng tượng, hay chính là dấu vết của một mối giao cảm trong tâm hồn của hai kẻ đam mê thành phố và viễn du.
Tôi cảm phục tài năng kể chuyện của Italo. Bằng cách kể chuyện tinh tế, hư ảo và đầy suy nghiệm của mình, ông đã đưa người đọc đi qua những vùng không gian mà ở đó cõi thực, cõi mơ, cõi tưởng tượng cứ quện chặt vào trong nhau, như những nốt nhạc trên khuôn nhạc trong một bản sonata êm dịu, nhiều vang vọng. Italo vẫn luôn là bậc thầy trong việc tạo ra những vùng trũng của không gian để người đọc ở vào trong đó, trở thành người suy ngẫm, người tưởng tượng, và mê đắm. Vùng không gian của riêng, của riêng Italo mà chúng ta không bao giờ có thể bị nhầm lẫn.
Tôi cần mẫn theo dõi hành trình của chàng qua các thành phố, nhẹ nhàng bước vào bên trong mỗi thành phố để cảm nhận cùng chàng. Và rồi rồi nhận ra rằng, sau cùng những thành phố mà chàng trẻ tuổi Marco đã đi qua thực ra là những mảnh của Venezia trong kí ức của chàng. Từng chút một, chàng rút ra từng sợi tơ mảnh ở mỗi thành phố nơi mình đi qua và dệt nên cho trọn vẹn một thành phố lừng lững hiện diện trong vùng kí ức của chàng – một Venezia đẹp đẽ và không bao giờ mất đi.
“Vậy hành trình của anh thực ra là hành trình trong ký ức”, đúng như lời Hốt Tất Liệt đã nói. Tôi cảm thấy như “Những thành phố vô hình” ấy là một cuộc phục dựng trong những u mê, suy tàn của kí ức. Phục dựng và tưởng tượng, và mê đắm. Có lẽ bởi thế mà, bầu không khí mãnh liệt nhất của “Những thành phố vô hình” lại chính là bầu không khí của một sự hoài niệm miên viễn. Phải chăng đó là vết dấu sâu đậm nhất của những cuộc viễn du.