Triều Tiên đã sử dụng hệ thống rocket phóng loạt để phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, New York Times cho biết. Đây là đợt phóng loạt tên lửa đầu tiên kể từ Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng trước.
Việc Bình Nhưỡng nối lại thử nghiệm tên lửa đã thách thức yêu cầu ngưng thử nghiệm vũ khí và các hành động khiêu khích, mở đường cho đối thoại từ Mỹ và Hàn Quốc. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương nói rằng một trong ba tên lửa phát nổ ngay sau khi phóng, 2 tên lửa khác bay được khoảng 250 km trước khi phát nổ.
Tầm bắn này đủ xa để tấn công căn cứ quân sự của Hàn Quốc và Mỹ, bao gồm các địa điểm gần thành phố Pyeongtaek, khoảng 96 km về phía nam Seoul. Phạm vi này cũng đủ để tiếp cận thị trấn Seongju, nơi Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bình Nhưỡng thường thử nghiệm tên lửa với tầm bắn tương tự nhưng việc sử dụng hệ thống phóng nhiều tên lửa cùng lúc cho thấy sự tiến bộ trong khả năng tấn công. Yoon Young-chan, phát ngôn viên Nhà Xanh, cho biết các tên lửa được phóng đi từ hệ thống rocket phóng loạt 300 mm.
Hệ thống được cho là rocket phóng loạt tầm xa KN-09 300 mm của Triều Tiên trong một thử nghiệm. Ảnh: KCNA. |
Các quan chức Hàn Quốc từng cảnh báo Triều Tiên sẽ sớm đưa vào sử dụng hệ thống rocket phóng loạt 300 mm có thể tấn công các căn cứ sâu bên trong Hàn Quốc. Trong cuộc diễu binh vào ngày 15/4, Bình Nhưỡng đã công bố hệ thống rocket phóng loạt 300 mm với 8 ống phóng mỗi xe.
Triều Tiên phát triển hệ thống rocket phóng loạt tầm xa vì chúng rẻ hơn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và có khả năng mang nhiều tên lửa hơn, các quan chức cho biết. Bình Nhưỡng sở hữu nhiều hệ thống rocket phóng loạt, cũng như pháo binh tầm xa dọc theo biên giới với Hàn Quốc.
Những vũ khí này đe dọa trút “mưa lửa” xuống các thành phố và hòn đảo ở phía nam biên giới. Các hệ thống rocket phóng loạt 240 mm cũ có tầm bắn khoảng 60 km, đưa Thủ đô Seoul, thành phố có 10 triệu dân vào tầm ngắm.
Kim Dong-yub, nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam ở Seoul, cho biết đợt thử nghiệm hôm 26/8 dường như nhằm mở rộng phạm vi tấn công. Tuy nhiên, bản chất của thử nghiệm đã giảm nhẹ một số lo ngại trong khu vực.
Các tên lửa bay về hướng đông, không tới đảo Guam, nơi có căn cứ không quân và hải quân của Mỹ. Bình Nhưỡng từng đe dọa phóng tên lửa xuống vùng biển gần đảo Guam sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công Triều Tiên bằng “lửa và giận dữ” nếu nước này tiếp tục phát triển ICBM.
Giới phân tích nhận xét đợt thử tên lửa của Bình Nhưỡng dường như là phản ứng đối với cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc. Cuộc tập trận mà Bình Nhưỡng luôn xem là mối đe dọa xâm lược và thường đáp trả bằng các đợt thử tên lửa và tập trận khác.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 26/8 nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ đạo cuộc tập trận đổ bộ vào các mục tiêu mô phỏng dọc theo các hòn đảo ở phía nam, gần biên giới Hàn Quốc.