Hãng thông tấn trung ương KCNA dẫn lời quan chức Triều Tiên tuyên bố nước này không có hứng thú gì với cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ nếu nó dựa trên "yêu cầu đơn phương" của Washington buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Nếu chính quyền Trump dồn chúng tôi vào góc và đơn phương đòi hỏi chúng tôi từ bỏ vũ khí hạt nhân, chúng tôi không còn hứng thú nói chuyện và sẽ tái cân nhắc có chấp nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới hay không", Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan nói.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vốn được lên kế hoạch vào ngày 12/6 này. Ảnh: AFP. |
Mỹ đã yêu cầu Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược (CVID). Tuy nhiên, đến nay Bình Nhưỡng chưa hề có tuyên bố công khai nào về việc này dù Hàn Quốc từng thông báo Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.
"Chúng tôi đã bày tỏ sẵn lòng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và liên tục tuyên bố điều kiện tiên quyết (cho đàm phán) là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân với Triều Tiên", KCNA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Kim.
Ông Kim cũng lên án tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton muốn áp dụng "mô hình Libya" cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng cho rằng đó là một nỗ lực "đầy điểm gở" của Mỹ nhằm áp đặt số phận của Libya và Iraq lên Triều Tiên.
Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia từng đánh giá việc nêu ra trường hợp Libya có thể là sai lầm trong đàm phán với Triều Tiên. Năm 2003, Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy sự chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hại.
Triều Tiên thường xuyên đề cập trường hợp Libya để củng cố lập luận chỉ có vũ khí hạt nhân mới giúp nước này răn đe hiệu quả Washington, đảm bảo an ninh và sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng.
"Tôi không thể đè nén nỗi tức giận trước động thái này của Mỹ và thật đáng nghi ngờ việc Mỹ thật lòng muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua đàm phán và đối thoại", thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Trước đó, đầu ngày 16/5, Triều Tiên đã tuyên bố không dự họp cấp cao với quan chức Hàn Quốc do giận dữ trước cuộc tập trận chung Max Thunder giữa lực lượng Mỹ - Hàn diễn ra từ cuối tuần trước.
KCNA lên án cuộc tập trận giữa không quân Hàn Quốc và Mỹ là “diễn tập xâm lược” và là “hành vi quân sự cố ý khiêu khích” giữa thời điểm mối quan hệ Hàn - Triều đang cải thiện.
KCNA cũng cảnh báo về cuộc gặp sắp giữa ông Trump và Kim Jong Un rằng: “Mỹ nên suy nghĩ cẩn thận hơn về số phận hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ”.
Máy bay F-22 Raptor của Không lực Mỹ đậu xuống căn cứ không quân Gwangju ở Hàn Quốc vào ngày 16/5, giữa cuộc tập trận chung Max Thunder của Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng Washington chưa nhận được thông tin gì từ phía Bình Nhưỡng dọa hủy gặp và họ vẫn tiếp tục công tác chuẩn bị cho cuộc gặp.
Tờ Asahi Shimbun nhận định bất kỳ bất trắc nào xảy đến với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ là một đòn giáng nặng nề vào các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đạt được thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông: giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.