Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên phóng tên lửa tầm bắn gần 10.000 km

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cho hay Triều Tiên vừa thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa có thể thổi bùng căng thẳng trong khu vực.

Triều Tiên từng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo để "phục vụ nghiên cứu khoa học". Ảnh: AP

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho hay, vụ phóng diễn ra vào khoảng 9h30 sáng 7/2 theo giờ địa phương.

Thông báo của vị quan chức quốc phòng Hàn Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi giới truyền thông đưa tin về kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trích kế hoạch của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết ông này có thể xác nhận rằng Mỹ đã phát hiện một vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên. "Dựa trên quỹ đạo bay của nó mà chúng tôi đang theo dõi, nó không đe dọa Mỹ và các đồng minh", CNN dẫn lời ông này nói.

Truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng sẽ có thông báo đặc biệt vào trưa ngày 7/2, sau khi Hàn Quốc nói rằng nước láng giềng đã thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa.

Vệt sáng được cho là tên lửa của Triều Tiên được phóng lên không trung nhìn từ thành phố biên giới Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thành công hay thất bại?

Như những lần trước đó, Triều Tiên thử vũ khí vì muốn củng cố sức mạnh răn đe trong tình trạng bị cô lập

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên ngày 7/2 có thể đã thất bại. Trước đó, hãng này cùng NHK của Nhật đưa tin tên lửa dường như đã tách thành công tầng đầu tiên và tầng thư hai và tầng đầu tiên đã rơi xuống biển phía tây bán đảo Triều Tiên. 

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ cho biết họ đã phát hiện một vật thể được cho là tên lửa bay vào không gian.

Vụ phóng tên lửa được đẩy sớm lên một ngày đúng theo nguồn tin từ báo Kyodo của Nhật đăng tải hôm qua.

Ngày 2/2, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong (Quang Minh Tinh) từ ngày 8/2 đến 25/2. Liên minh Viễn thông Quốc tế cho biết Triều Tiên đã thông báo kế hoạch phóng một vệ tinh hoạt động trong 4 năm vào quỹ đạo phi địa tĩnh.

Bình Nhưỡng nói với Tổ chức Hàng hải Quốc tế rằng tầng đầu tiên của tên lửa sẽ rơi trong vùng biển giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, còn tầng thứ hai sẽ rơi xuống vùng biển phía bắc của Philippines.

Dựa vào thông tin đó, các hãng hàng không của Nhật Bản và Hàn Quốc đã thay đổi lộ trình của nhiều chuyến bay để tránh những mảnh vỡ của tên lửa.

Bản đồ cho thấy tầm bắn của tên lửa Triều Tiên lên tới 9.000 km. Đồ họa: CNN

Kế hoạch "khiêu khích và gây bất ổn"

Thông báo của Bình Nhưỡng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ cộng đồng quốc tế khi các nước cho rằng việc phóng vệ tinh chỉ là vỏ bọc cho một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa. Giới quan sát lo ngại Bình Nhưỡng đang cố gắng đẩy nhanh công tác thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đưa vào tên lửa, từ đó có thể dẫn đến những cuộc tấn công nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và Bờ Tây của Mỹ.

Nhằm ngăn chặn tên lửa Triều Tiên, Hải quân Mỹ đã bố trí một tàu khu trục trang bị công nghệ chống tên lửa đạn đạo ở Nhật Bản.

Ngày 5/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để gây sức ép lên kế hoạch "khiêu khích và gây bất ổn" của Triều Tiên.

"Vụ phóng tên lửa là sự vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là hành vi khiêu khích nghiêm trọng đối với an ninh của đất nước chúng ta", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội hôm 3/2.

Trao đổi nhanh với Zing.vn trong ngày cuối năm âm lịch, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế nhận định: “Như những lần trước đó, Triều Tiên thử vũ khí vì muốn củng cố sức mạnh răn đe trong tình trạng bị cô lập. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên luôn tiến hành các vụ thử vũ khí để củng cố vị thế. Việc hiện đại hóa vũ khí là giải pháp duy nhất mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để đảm bảo vị thế của mình”.

Tiến sĩ Trường cũng cho rằng dù Triều Tiên thử tên lửa đúng dịp Trung Quốc, đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Bình Nhưỡng đang đón Tết, nhưng khó có thể đánh đồng hai sự kiện này với nhau. Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử vũ khí cho thấy Bình Nhưỡng đang bế tắc. Trong khi đó, dù Trung Quốc lên tiếng phản đối nhưng thực tế Bắc Kinh không thể bỏ rơi Triều Tiên vì vị thế địa chiến lược của nước này.

Hồng Duy (ghi)

Triều Tiên có thể phóng vệ tinh sớm hơn dự định

Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Triều Tiên có thể phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 7/2 đến 14/2. Thời gian này sớm hơn kế hoạch trước đó.

Linh Phong - Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm