Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tên lửa được phóng từ vùng Sukchon ở miền Tây Nam của nước này và bay khoảng 800 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản (hay Donghae theo cách gọi của Hàn Quốc).
Ông này không xác nhận loại tên lửa được phóng là gì. Tuy nhiên, nguồn tin quân sự của Yonhap cho biết đây là tên lửa Rodong, một biến thể của tên lửa Scud, có phạm vi hoạt động tối đa 1.300 km. Với khoảng cách này, tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng có thể là loại tầm trung.
Chính quyền Mỹ cũng xác nhận vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nói nước này đang theo dõi tình hình ở bán đảo Triều Tiên chặt chẽ, và kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, không gây ra thêm hành động khiến căng thẳng leo thang, chú trọng thực hiện những nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Triều Tiên.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa, không phải một như tuyên bố ban đầu.
Văn phòng Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cũng cho biết, Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa thứ 2 trong sáng 18/3, sau khi vừa phóng tên lửa đầu tiên bay được khoảng 800 km. Tên lửa thứ 2 được phóng ở cùng khu vực, và biến mất khỏi màn hình radar khi nó vượt qua độ cao khoảng 17 km. Hiện cơ quan này chưa thể biết đây là tên lửa loại nào.
Quân đội Hàn Quốc cho hay họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, và sẵn sàng hành động nếu Triều Tiên có hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. "Chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết như giám sát hoặc cảnh báo sớm, để đối phó với mọi tình huống phát sinh", Thủ tướng Abe phát biểu trước quốc hội. Ông cho biết Nhật Bản cũng đã gửi công hàm phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa.
Trước đó một tuần, Triều Tiên cũng phóng hai tên lửa tầm ngắn từ tỉnh Bắc Hwanghae (phía nam thủ đô Bình Nhưỡng) hướng ra bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.
Những động thái này của Triều Tiên được xem là nhằm phô diễn sức mạnh quân sự, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên căng thẳng.
Tên lửa được phóng từ vùng Sukchon ở miền Tây Nam của Triều Tiên. Ảnh minh họa: AFP |
Lần gần nhất Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm trung là vào tháng 3/2014. Hai tên lửa được phóng từ một huyện ở phía bắc thủ đô. Các tên lửa bay được khoảng 650 km rồi rơi xuống biển.
Khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok trong cuộc họp báo khẩn cấp ở Seoul tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “một sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là sự khiêu khích trắng trợn đối với Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế”.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/3/2014 cũng lên án các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và tham vấn khẩn về một biện pháp đáp trả thích đáng.
Như vậy, trong khoảng một thập niên trở lại đây, Triều Tiên đã ít nhất 4 lần phóng tên lửa có tầm bắn khoảng 1.000 km, gồm các năm 2006, 2009, 2014 và sự việc ngày 18/3/2016.
Bản đồ biển Nhật Bản (hay Donghae theo cách gọi của Hàn Quốc), nơi tên lửa Triều Tiên hướng tới. Ảnh: Atlantic. |
Tình hình bán đảo leo thang từ sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân vào ngày 6/1, và phóng thử tên lửa tầm xa hồi tháng 2. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phản ứng cứng rắn qua việc ban hành các cấm vận mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra những đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc, nhằm gây sức ép buộc hai nước này phải hủy cuộc tập trận chung mà Triều Tiên xem là "diễn tập xâm lăng".
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam ngày 17/3 đã đệ đơn kiến nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp nhằm bàn thảo về cuộc tập trận lớn giữa Mỹ - Hàn Quốc, theo CNN.
Trong đơn kiến nghị, Bình Nhưỡng nói rằng các cuộc tập trận Key Resolve và Foal Eagle 16 của Mỹ - Hàn (kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4) là hành động “gây hấn” nhằm thẳng vào Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn gọi đây là “chiến dịch chặt đầu” nhằm lật đổ lãnh đạo tối cao của nước này.