Khi cả thế giới tập trung vào virus corona chủng mới đang lan rộng từ Trung Quốc ra toàn cầu, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 2/3 được cho là nhằm mục đích thu hút sự chú ý của Mỹ đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Japan Times nhận xét.
Hôm 2/3, tham mưu trưởng liên quân (JSC) xác nhận Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa từ thành phố Wonsan xuống vùng biển phía đông nước này. Tên lửa bay được khoảng 240 km, độ cao tối đa 35 km.
Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ ngày 28/11/2019, khi Bình Nhưỡng bắn 2 tên lửa từ cái gọi là “bệ phóng siêu lớn”. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA), hôm 2/3 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thị sát cuộc tập trận pháo binh tầm xa, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về vũ khí có liên quan.
Bình Nhưỡng bị lãng quên
Tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng 12/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết sẽ tiết lộ vũ khí chiến lược mới trong tương lai gần. Nhưng Bình Nhưỡng không hề có động thái nào kể từ đầu năm, trong bối cảnh sự bùng phát của virus corona chủng mới từ Trung Quốc đang lan rộng ra toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát cuộc tập trận pháo binh tầm xa hôm 2/3. Ảnh: KCNA. |
Khi virus có dấu hiệu lan rộng ở Trung Quốc, Triều Tiên đã lập tức đóng cửa biên giới và cắt đứt giao thông với Trung Quốc. Bình Nhưỡng phản ứng khá nhanh và quyết đoán để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Sau khi sớm đóng cửa biên giới với Trung Quốc, Triều Tiên áp dụng biện pháp cách ly tới 30 ngày đối với người nước ngoài, hoặc công dân nước này trở về từ Trung Quốc. Bình Nhưỡng tuyên bố nước này chưa có ca nhiễm virus corona chủng mới, còn gọi là dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Bình Nhưỡng đã gây ra những phản ứng tiêu cực đối với nền kinh tế, vốn đã bị đình trệ do những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Trong khi các chính phủ trên thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan của virus corona và dường như không còn bận tâm đến Triều Tiên, Bình Nhưỡng cần phải làm điều gì đó để lấy lại sự chú ý.
Trong quá khứ, Triều Tiên cũng nhiều lần thử tên lửa, thậm chí làm một cái gì đó còn khiêu khích hơn mỗi khi bị cộng đồng quốc tế lãng quên. Ngay sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt cho Triều Tiên, vì dịch bệnh Covid-19 mà không nêu chi tiết.
Stephen Nagy, phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Christian ở Tokyo, Nhật Bản nói: “Vụ phóng này nhằm mong muốn chính quyền Tổng thống Donald Trump tập trung vào Triều Tiên, trong nỗ lực nhằm nới lỏng trừng phạt và viện trợ kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng”.
Trong tâm trí của nhà lãnh đạo Kim, ông dường như đang mờ nhạt về mặt ngoại giao. Thế giới bị phân tâm bởi dịch bệnh Covid-19 và chính quyền Tổng thống Trump thậm chí không thảo luận về Triều Tiên. Vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng báo hiệu rằng Triều Tiên vẫn là một cái tên mà Mỹ cần phải quan tâm, phó giáo sư Nagy phân tích.
Các chuyên gia đối ngoại khác cho biết Triều Tiên có thể tiếp tục phóng tên lửa, vì nhà lãnh đạo Kim nghĩ rằng Tổng thống Trump đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 và sẽ không muốn bị Bình Nhưỡng gây rối trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Khiêu khích vì kinh tế đi xuống?
Các nguồn tin quen thuộc với tình hình bán đảo Triều Tiên, chỉ ra rằng Bình Nhưỡng có thể đang đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng, sau khi buộc phải giảm mạnh các hoạt động thương mại với huyết mạch kinh tế từ Trung Quốc và Nga.
Giới phân tích cho rằng Triều Tiên dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh và đang cố che giấu sự thật. Ảnh: AP. |
Đức và Pháp được cho là đã quyết định đóng cửa đại sứ quán của họ ở Bình Nhưỡng, làm tăng khả năng Triều Tiên sẽ bị cô lập hơn nữa về mặt ngoại giao, nguồn tin cho biết thêm.
Một nguồn tin ngoại giao khác hoài nghi rằng việc Triều Tiên sẽ leo thang các hoạt động khiêu khích Mỹ, vì sự lây lan của virus corona đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế của Bình Nhưỡng.
Ngoài việc thương mại và du lịch bị đình trệ, Triều Tiên phải trả chi phí rất lớn cho các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus corona. Dù Triều Tiên có thể đã che giấu thông tin, nguồn tin nghi ngờ có nhiều người nhiễm Covid-19 ở Triều Tiên.
Do đó, Bình Nhưỡng sẽ không còn đủ tiền để phát triển tên lửa đạn đạo và thực hiện các cuộc thử nghiệm. Giới phân tích cho rằng Triều Tiên dễ bị tổn thương trước các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tình trạng thiếu lương thực và y tế do các lệnh trừng phạt, nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vào tháng 10/2019, Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm cấp chuyên viên tại Stockholm, Thụy Điển, nhưng nó đã kết thúc mà không có tiến triển nào.