Triều Tiên phóng loạt tên lửa
Hãng thông tấn chính thức của Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng vừa bắn hai tên lửa chiến thuật tầm ngắn ngoài khơi biển Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang đỉnh điểm.
Theo Yonhap, vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên có vẻ chỉ ở cấp độ đơn vị quân đội chứ không phải cấp độ quốc gia. |
Yonhap dẫn nguồn tin quân sự trong Chính phủ Hàn Quốc cho biết, tên lửa mà Triều Tiên đã bắn nhiều khả năng là KN-02.
“Có vẻ như vụ thử chỉ diễn ra ở cấp độ đơn vị quân đội chứ không phải ở cấp độ quốc gia”, Yonhap dẫn nguồn tin quân sự trong chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Là tên lửa di động, được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật OTR-21 Tochka thời Xô Viết, KN-02 dường như đã được phóng từ các xe tải giống như tên lửa Scud. Trong tất cả các loại tên lửa mà Triều Tiên đang sở hữu, KN-02 là loại có tầm bắn ngắn nhất. Tên lửa tầm ngắn là một biến thể của tên lửa nội địa Scarab A của Syria và có tầm bắn 120-140 km. Khi được thu nhỏ nó có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, nhỏ.
Vụ thử diễn ra chỉ một ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc diễn tập pháo binh bắn đạn thật gần biên giới biển Hoàng Hải tranh chấp với Hàn Quốc. Chuyến thăm nằm trong một tuần căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang đỉnh điểm. Triều Tiên đã đe dọa sẽ kích động một cuộc chiến tranh thứ 2 nhằm vào Hàn Quốc, không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm thể hiện sự phản đối các biện pháp trừng phạt bổ sung của Liên Hiệp Quốc áp dụng đối với nước này cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Cho đến nay, biên giới đất liền và biển của hai miền Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu chứng tỏ một cuộc chiến tranh sắp bùng nổ. Hàn Quốc đã bác bỏ những đe dọa của Triều Tiên và nhấn mạnh, đó chỉ là chiêu gây “áp lực tâm lý” cho Seoul và cộng động quốc tế, tương tự như nhiều lần Bình Nhưỡng từng làm trong quá khứ.
Bình luận về động thái mới nhất của Triều Tiên, Giảng viên cao cấp John Swenson-Wright làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế Đông Á ở Đại học Cambridge nhấn mạnh “sự nguy hiểm của tình trạng leo thang không kiểm soát nổi trong tình huống này là hoàn toàn nghiêm túc. Chỉ cần một tính toán hoặc một phán quyết sai lầm của cả 2 bên - với Triều Tiên chỉ ra một động thái khiêu khích như vụ nã pháo đảo Yeonpyeong hồi năm 2010 còn Hàn Quốc thì kiên quyết đáp trả - nhiều khả năng thổi bùng lên một cuộc chiến tranh hủy diệt”.
Phương Đăng
Theo Infonet