Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, kênh RT của Nga đưa tin Triều Tiên đã bắt đầu phá bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Sky News cũng đưa tin phóng viên của hãng này đã chứng kiến "điều mà Triều Tiên tuyên bố là sự phá hủy đường hầm thử hạt nhân ở Punggye-ri".
Các nhà báo cho biết được mời đến chứng kiến việc phá hủy đường hầm số 2, 3 và 4 tại bãi thử Punggye-ri và một loạt vụ nổ phá hủy đã diễn ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng bãi thử đã sụp một phần sau vụ thử cuối cùng vào tháng 9/2017.
Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên ngày 23/5. Ảnh: Reuters. |
Phóng viên Tom Cheshire nằm trong số các phóng viên quốc tế được chứng kiến sự kiện, ông nói: "Chúng tôi leo lên núi lên núi và chứng kiến việc kích nổ từ cách đó 500 m".
"Họ đếm 1,2, 3. Có một vụ nổ lớn. Bạn có thể cảm nhận được. Bụi thổi tới bạn, sức nóng cũng tỏa ra. Mọi thứ vô cùng to", Cheshire kể lại.
Trước vụ nổ, các nhà báo nói rằng họ được mời đến để chứng kiến thiết bị nổ đặt vào đường hầm, trước khi di chuyển đến một khoảng cách an toàn để chứng kiến việc kích nổ.
Theo BBC, việc Triều Tiên cho nổ các đường hầm tại bãi thử hạt nhân duy nhất vào thời điểm 3 tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều cho thấy động thái làm hạ nhiệt căng thẳng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận vụ phá hủy bãi thử hạt nhân, cho biết không có dấu hiệu rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài hay bất cứ tác động nào tới môi trường sinh thái xung quanh.
"Phá hủy bãi thử hạt nhân được thực hiện bằng cách cho nổ sập tất cả các đường hầm và đóng hoàn toàn lối vào. Một số trạm gác và đài quan sát cũng bị phá hủy", KCNA thông báo.
Bãi thử Punggye-ri ở vùng núi phía đông bắc Triều Tiên là nơi diễn ra cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này. Đồ họa thể hiện độ sâu và độ rung chấn của một số vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tại đây. Đồ họa: BBC. |
Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng cho biết đã lên kế hoạch "xóa sổ" bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền núi đông bắc. Triều Tiên mô tả việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri là hành động thiện chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12/6. Tuy nhiên, cuộc gặp đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi cả hai bên đều thể hiện sự hoài nghi và lưỡng lự.
Triều Tiên lên án việc Mỹ đề xuất "mô hình Lybia" cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 15 năm trước, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya đã chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân còn non trẻ để thoát khỏi những cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây. Cuối cùng, khi Mùa xuân Arab nổ ra, Gaddafi chịu sự truy đuổi, bắt giữ rồi sát hại của phiến quân.
Không có thanh tra vũ khí hoặc chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân nào được mời tham dự sự kiện mà Triều Tiên nói là sẽ "củng cố tính minh bạch của việc ngừng thử hạt nhân". Chỉ có các phóng viên nước ngoài được mời đến để chứng kiến sự kiện.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở phía bắc Triều Tiên. |
Một số nhà phân tích đã cảnh báo những bằng chứng có giá trị về chương trình hạt nhân và khả năng phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể bị mất khi Punggye-ri bị phá hủy.
"Tất cả thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đều được tiến hành ở đây, vì vậy nếu họ để các chuyên gia xem xét những đường hầm này trước tiên, điều đó có thể có lợi cho tình báo Mỹ", Bruce Bechtol, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học bang Angelo nói với CNN.
Một số nhà quan sát nói rằng một phần bãi thử đã không còn sử dụng được do thiệt hại phát sinh sau 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, trong khi những người khác nói rằng nó vẫn còn hoạt động chỉ vài tháng trước.
Punggye-ri là địa điểm diễn ra cả 6 vụ thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm vụ gần nhất vào tháng 9/2017 mà Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử một quả bom nhiệt hạch (bom H).