Hồi đầu tháng, Bình Nhưỡng cho biết đã lên kế hoạch "xóa sổ" bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền núi đông bắc. "Buổi lễ" dự kiến diễn ra vào một thời điểm trong khoảng từ ngày 23 đến ngày 25/5, phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Nhiều phóng viên nước ngoài đã được mời đến để chứng kiến sự kiện.
Hôm 22/5, các nhà báo rời Bắc Kinh trên một chuyến bay đặc biệt và đặt chân đến Wonsan, thành phố cảng ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Chuyến bay chỉ là chặng đầu tiên trong chuyến đi dài tới Punggye-ri, cách Bình Nhưỡng khoảng hơn 370 km về phía bắc.
Để tới đó, các phóng viên phải đi 11 giờ tàu hỏa, 4 giờ xe bus, khoảng một giờ đi bộ đến điểm đích nằm trên núi dự kiến là nơi họ được chứng kiến việc phá hủy khu hạt nhân.
Cuộc hành trình đã trở nên khó khăn hơn do mưa lớn gần đây ảnh hưởng đến những con đường chính trong khu vực xung quanh Punggye-ri.
Sân bay Kalma ở Wonsan, nơi các phóng viên hạ cánh sau chuyến bay và tiếp tục hành trình đến Punggye-ri. Ảnh: AP |
Ngày 23/5, 8 nhà báo Hàn Quốc gia nhập đoàn phóng viên này. Trước đó, báo giới Hàn Quốc đã không được cho lên chuyến bay từ Bắc Kinh. Nguyên nhân của sự việc này vẫn chưa được công bố rõ ràng.
Tuy các đoàn truyền thông quốc tế thường xuyên được phép đến thăm thủ đô Bình Nhưỡng hoặc khu liên hợp công nghiệp Kaesong ở biên giới liên Triều, việc tiếp cận các vùng khác của Triều Tiên hiếm hoi hơn rất nhiều.
Phóng viên CNN International là Will Ripley đã đến thăm Triều Tiên 18 lần, nhưng đây là lần duy nhất ông không bay qua Bình Nhưỡng.
Tại Wonsan, nhóm phóng viên CNN miêu tả đã hạ cánh xuống một sân bay mới được cải tạo, được trang trí bằng màu xanh dương và đỏ, những màu của quốc kỳ Triều Tiên.
Bình Nhưỡng hy vọng sẽ phát triển du lịch tại Wonsan. Thành phố này từng nổi tiếng bởi là nơi phóng nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh chụp bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong, Triều Tiên ngày 23/5. Ảnh: Reuters. |
Các phóng viên nước ngoài được đưa vào khách sạn lớn tại thành phố. Khách sạn không có ai khác lưu trú ngoài nhóm phóng viên và những nhân viên chính phủ có nhiệm vụ canh chừng họ.
Hiện vẫn chưa rõ truyền thông sẽ được chứng kiến bao nhiêu phần của quá trình phá hủy bãi thử Punggye-ri. Ngày và giờ cụ thể cho sự kiện chưa được công bố, nhưng với hành trình dài từ Wonsan, có thể các nhà báo sẽ phải chờ đến cuối ngày 24/5 hoặc sang ngày 25/5.
Không có thanh tra vũ khí hoặc chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân nào được mời tham dự sự kiện mà Triều Tiên nói là sẽ "củng cố tính minh bạch của việc ngừng thử hạt nhân".
Một số nhà phân tích đã cảnh báo những bằng chứng có giá trị về chương trình hạt nhân và khả năng phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể bị mất khi Punggye-ri bị phá hủy.
"Tất cả thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đều được tiến hành ở đây, vì vậy nếu họ để các chuyên gia xem xét những đường hầm này trước tiên, điều đó có thể có lợi cho tình báo Mỹ", Bruce Bechtol, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học bang Angelo nói với CNN.
Bãi thử Punggye-ri ở vùng núi phía đông bắc Triều Tiên là nơi diễn ra cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này. Đồ họa thể hiện độ sâu và độ rung chấn của một số vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tại đây. Đồ họa: BBC. |
Một số nhà quan sát nói rằng một phần bãi thử đã không còn sử dụng được do thiệt hại phát sinh sau 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006, trong khi những người khác nói rằng nó vẫn còn hoạt động chỉ vài tháng trước.
Bất kể tình trạng hiện tại của Punggye-ri, Triều Tiên có vẻ muốn kiểm soát cả những nội dung các nhà báo có thể tìm hiểu về nơi này sau vụ phá hủy. Tom Cheshire, phóng viên hãng Sky News của Anh, cho biết điện thoại vệ tinh và máy định lượng bức xạ hạt nhân của đoàn mình đã bị lực lượng an ninh tịch thu tại sân bay Wonsan. Các nhà báo Trung Quốc cũng bị tịch thu thiết bị.