Triều Tiên 'muốn mở cửa kinh tế'
Bình Nhưỡng không muốn sao chép mô hình của Trung Quốc mà quan tâm đến mô hình của Việt Nam.
Trong thông điệp mừng năm mới 2013, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi những nỗ lực toàn diện để đưa đất nước trở thành một “người khổng lồ về kinh tế”. Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) của Đức hôm 5/1 tiết lộ, ông Kim Jong-un đang có những động thái để nhanh chóng biến mong muốn trên thành hiện thực.
Công nhân Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Ảnh: REUTERS. |
Bước đi đầu tiên là chuẩn bị mở cửa nền kinh tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt, Triều Tiên đã nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia kinh tế và luật gia Đức để đặt nền móng cho bước đi này.
FAZ dẫn lời một chuyên gia kinh tế Đức có tham gia kế hoạch nói trên cho biết: “Đang có một kế hoạch tổng thể. Triều Tiên muốn mở cửa nền kinh tế ngay trong năm nay”. Tờ báo không tiết lộ danh tính của chuyên gia này mà chỉ cho biết ông đang giảng dạy tại một đại học danh tiếng của Đức và từng đóng vai trò cố vấn cho một số chính phủ khác ở châu Á trước đây.
Theo bài báo, Triều Tiên trước hết quan tâm tới việc ban hành luật mới liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nước này không muốn sao chép mô hình Trung Quốc, trong đó kêu gọi thiết lập đặc khu kinh tế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Một nguồn tin cho biết: “Thay vào đó, họ quan tâm đến mô hình của Việt Nam, trong đó một số công ty nhất định được chọn để nhận tiền đầu tư”.
Báo Spiegel (Đức) nhận định nếu thông tin trên là xác thực và việc mở cửa kinh tế được tiến hành, đây sẽ là một bước ngoặt mang tính cách mạng của Triều Tiên - đất nước gần như tách biệt với cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
Hậu quả là nền kinh tế nước này đang gặp không ít khó khăn. Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, đã có những dấu hiệu của sự thay đổi ở Triều Tiên. Thông điệp chào năm mới vừa qua chính là biểu hiện rõ ràng nhất về việc nhà lãnh đạo này sẵn sàng đi theo một con đường khác hẳn so với cha mình.
Theo báo FAZ, có nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Triều Tiên ủng hộ việc mở cửa nền kinh tế để đón nhận đầu tư từ những công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây. Dù vậy, nhà kinh tế Đức nói trên đánh giá rằng vẫn còn một chặng đường dài để kế hoạch mở cửa nền kinh tế Triều Tiên thành hiện thực.
Người này nhận định: “Quân đội ở Triều Tiên sẽ không muốn từ bỏ quyền lực”. Vì thế, hiện chưa rõ nỗ lực cải cách của ông Kim Jong-un có thể vượt qua những phản kháng từ phía quân đội hay không.
Theo Người Lao Động