"Không thể cho rằng ông ấy đang toàn quyền kiểm soát", USA Today dẫn lời Bruce Bennett, nhà phân tích từ trung tâm nghiên cứu RAND Corporation.
Hôm 24/5, Trump cho biết ông đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore, trích dẫn các tuyên bố "thù địch" từ phía Bình Nhưỡng. Sau đó một ngày, ông lại mở khả năng tiếp tục tổ chức cuộc gặp sau một tuyên bố mang tính hòa giải hơn từ Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ thường cho rằng chính sách của Triều Tiên đều là do nhà lãnh đạo Kim Jong Un quyết định chặt chẽ, kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2011 sau khi cố lãnh đạo Kim Jong Il qua đời. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định không thể loại trừ những vết nứt chính trị trong chính phủ của ông Kim khi nhìn sâu vào các tuyên bố công khai của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội. Ảnh: KCNA/AFP/Getty. |
Ông Kim Jong Un cũng cần xoa dịu quân đội, lực lượng mạnh mẽ có quyền kiểm soát rộng khắp đất nước. Quân đội sẽ nghi ngờ bất kỳ nỗ lực nào nhằm thu hẹp hoặc loại bỏ kho vũ khí hạt nhân.
"Quân đội Triều Tiên sẽ cảm thấy thế nào về phi hạt nhân hóa?" Bennett nói. "Ông Kim gặp thách thức lớn trong việc cố gắng thuyết phục quân đội của mình rằng ông đang đi đúng đường".
Kể từ khi Trump đồng ý gặp Kim hồi tháng 3, Triều Tiên mất đi giọng điệu thường thấy trong các tuyên bố công khai. Bình Nhưỡng đồng ý trả tự do cho ba người Mỹ và cho biết đã phá hủy một cơ sở thử nghiệm hạt nhân hôm 24/5.
Nhưng Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vì đã ám chỉ đến "mô hình Libya" của việc phi hạt nhân hóa. Tuần trước, phái đoàn Triều Tiên đã không gặp các đối tác Mỹ tại Singapore để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh. Tuần này, một nhà ngoại giao Triều Tiên khác lại gọi Phó tổng thống Mike Pence là một "chính trị gia ngu ngốc".
Quân đội Triều Tiên trung thành với chính quyền và có ảnh hưởng to lớn. Ảnh: AP. |
Ông Kim Jong Un lãnh đạo đất nước chủ yếu thông qua đảng Lao động cầm quyền và hệ thống phân cấp quân đội. Các sĩ quan quân đội hàng đầu đều là những người trung thành với lãnh đạo.
Ngay cả khi ông Kim không phải đối phó với với bất đồng ý kiến, ông có thể đang cố gắng xoa dịu các nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ của mình, những người lo lắng nếu chương trình hạt nhân bị hủy bỏ.
Phần lớn quyền lực của quân đội Triều Tiên phụ thuộc vào kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, hòa bình với Hàn Quốc cũng có thể dẫn đến cắt giảm lực lượng quân đội to lớn của Bình Nhưỡng.
Theo một cách lý giải khác, những thông điệp gần đây có thể chỉ nhằm nỗ lực đảm bảo với các chỉ huy quân đội hàng đầu Triều Tiên rằng ông Kim sẽ không dễ dàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này.
"Những thông điệp đó thậm chí còn có thể không phải là về Mỹ", Jeffrey Lewis, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định.