Trong tháng 1 vừa qua, hàng nghìn sinh viên Triều Tiên đã đến núi Paektu, ngọn núi thiêng được cho là nơi các nhà lãnh đạo Triều Tiên chào đời. Hiện nay nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang triển khai xây dựng trung tâm kinh tế lớn tại thị trấn Samjiyon nằm trên ngọn núi Paektu, theo Reuters.
Đây là một trong những sáng kiến quy hoạch lớn nhất mà ông Kim đưa ra, thuộc chiến dịch xây dựng "nền kinh tế tự lực". Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn sẽ tìm cách thuyết phục phương Tây gỡ bỏ lệnh cấm vận.
Toàn cảnh thị trấn Samjiyon ở vùng núi thiêng Paektu đang trong quá trình cải tạo và xây mới. Ảnh: KCNA. |
Chuyển hướng sang kinh tế
Năm ngoái, sau khi tuyên bố hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân, ông Kim Jong Un chuyển hướng tập trung sang nền kinh tế và tuyên bố thịnh vượng của người dân là ưu tiên hàng đầu.
Thị trấn Samjiyon là trung tâm của sáng kiến kinh tế mới do ông khởi xướng, được miêu tả sẽ trở thành "mô hình thành phố miền núi hiện đại khiến thế giới ghen tị". Cùng với Samjiyon là một dự án khác đang được triển khai để xây dựng thành phố ven biển Wonsan trở thành điểm du lịch nổi tiếng.
Ông Kim đã đến thăm thị trấn Samjiyon, nằm gần biên giới với Trung Quốc, ít nhất năm lần để thanh tra trong năm qua. Nhà lãnh đạo Triều Tiên dự tính xây dựng một "xã hội lý tưởng" với hàng loạt căn hộ, khách sạn, khu trượt tuyết, nghỉ dưỡng mới, đi cùng với các trung tâm thương mại, văn hóa và y tế dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Nếu hoàn thành đúng hạn, Triều Tiên chỉ mất bốn năm để thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa vùng đất thiêng.
Dự án phát triển và quy hoạch lại đã biến Samjiyon từ một thị trấn nghèo nàn, bao quanh bởi các trang trại trồng khoai tây, trở thành một trung tâm náo nhiệt nhất cả nước. Chính phủ Triều Tiên cho rằng đây sẽ là mô hình cho các dự án phát triển trên toàn quốc trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm công trường xây dựng ở thị trấn Samjiyon ngày 18/8/2018. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Tuy nhiên, dự án cũng phải đối mặt với một số vấn đề nhất định. Do sự bùng nổ của thị trường kinh tế tư nhân thời gian gần đây và việc người dân Triều Tiên dần ưu tiên ổn định tài chính hơn vị thế chính trị, chính quyền ông Kim Jong Un đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trẻ.
Ông Cho Chung Hui, người từng tham gia xây dựng tại công trường núi Paektu, nói với Reuters rằng có rất ít người thực sự muốn đến đó bởi "hiện nay, người dân có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ các khu chợ".
"Dòng máu sục sôi của tuổi trẻ"
Theo mô tả của truyền thông nhà nước, mặc cho lực lượng giám sát lo ngại về tình trạng sức khỏe, nhóm sinh viên Triều Tiên vẫn dũng cảm lao động dưới thời tiết khắc nghiệt và ăn những suất cơm bị đóng băng để làm việc trên công trường khổng lồ.
Tháng trước, tờ báo chính thống Rodong Sinmun của nước này cho biết chỉ trong ngày đầu lao động, hàng nghìn sinh viên đã sản xuất được những "núi" sỏi cao 100 mét bằng cách sử dụng dụng cụ cầm tay nghiền nát đá. Bài viết ví nỗ lực của nhóm sinh viên như thế hệ cha ông đã chiến đấu chống lại đế quốc Nhật trong Thế chiến 2.
"Thời tiết quá lạnh, gạo đông cứng như đá nhưng chúng tôi không muốn lãng phí giây phút nào để hâm nóng. Khi nhai cơm lạnh buốt, tôi nghĩ đến những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Nhật", bài báo trích dẫn nhật ký của một sinh viên tại công trường.
Công nhân xây dựng trên công trường ở thị trấn Samjiyon. Ảnh: KCNA. |
Các nhóm nhân công, gọi là "dolgyeokdae" hay lữ đoàn thanh niên, được thành lập bởi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành nhằm xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ, mạng lưới điện và các dự án cơ sở hạ tầng khác sau khi bán đảo Triều Tiên giành được tự do từ sự xâm chiếm của Nhật Bản.
Open North Korea, nhóm hoạt động xã hội có trụ sở tại Seoul, ước tính tổng số thành viên của các lữ đoàn vào khoảng 400.000 vào năm 2016. Báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2014 cho thấy có khoảng 20.000 đến 100.000 công nhân/thành phố, tùy vào quy mô.
Để huy động được lực lượng lao động lớn như vậy, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đăng một loạt bài kêu gọi thế hệ trẻ cống hiến "dòng máu sục sôi của tuổi trẻ" để cải tạo thị trấn Samjiyon. Ông Kim Jong Un cũng bày tỏ lòng biết ơn đến những cá nhân, đơn vị quyên góp vật tư và vật liệu xây dựng.
Bài báo và các bức ảnh cho thấy các nhà máy, gia đình và cá nhân đóng gói áo khoác mùa đông, dụng cụ, giày dép, chăn và bánh quy trong hộp để gửi tới Samjiyon.
Kênh truyền hình nhà nước cũng phát sóng bộ phim tàu liệu dài 60 phút, được chiếu lại 10 lần, với hình ảnh những nam thanh niên mang vác đá trong tuyết rơi dày và xây dựng các tòa nhà cao tầng.
Công nhân không qua đào tạo cùng với quân đội là những lực lượng lao động chủ chốt hiện thực hóa các dự án kinh tế yêu thích của ông Kim Jong Un.
"Triều Tiên sẽ không thể hoàn thành một dự án lớn như vậy mà không có các lữ đoàn này. Tuy nhiên không có cách nào để chính quyền có đủ lực lượng lao động cần thiết. Đó là lý do tại sao họ đẩy mạnh công tác huy động thông qua truyền thông nhà nước", ông Cho nói.