Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triều Tiên gọi ngoại trưởng Nhật 'mặt chồn', từ chối gặp Thủ tướng Abe

Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản bằng những lời lẽ nặng nề, nói chính quyền Abe "quỷ quyệt", "vô liêm sỉ" và gọi ngoại trưởng Nhật Bản là "mặt chồn".

Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Bình Nhưỡng kêu gọi Tokyo trước tiên phải từ bỏ "chính sách thù địch" đối với họ.

Ông Abe trước nay vốn luôn giữ lập trường rằng việc bình thường hóa quan hệ hai nước phụ thuộc vào việc trao trả công dân Nhật bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980. Đến tháng 5, thủ tướng Nhật lại tỏ ý sẵn sàng ngồi xuống với nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không cần bất cứ điều kiện nào, dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Tokyo, theo South China Morning Post.

Phản ứng của Bình Nhưỡng hoàn toàn không như mong đợi.

"Bè lũ Abe nói về việc 'tổ chức hội nghị thượng đỉnh một cách vô điều kiện' trong khi vẫn cố tình gây tổn hại cho Triều Tiên - đỉnh cao của sự vô liêm sỉ", người phát ngôn của Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương Triều Tiên, nói hôm 3/6, theo truyền thông nhà nước.

trieu tien noi nhat quy quyet anh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA/AP.

Người phát ngôn Triều Tiên cũng xúc phạm Ngoại trưởng Nhật Taro Kono.

"Thật vô ích khi kêu gào cải thiện quan hệ trừ khi Nhật Bản từ bỏ tính cách quỷ quyệt của mình", người phát ngôn nói. "Dù cho nước này không có ai có tài, cũng thật đáng tiếc khi một người hạ đẳng như Kono mặt chồn, người luôn buông ra những lời lẽ cẩu thả và ghê tởm, làm ngoại trưởng".

"Abe đã gõ cửa Bình Nhưỡng và quảng cáo như thể chính sách đàm phán của chính phủ Nhật với Triều Tiên đã thay đổi nhưng không có gì thay đổi trong chính sách thù địch của họ với Triều Tiên", người phát ngôn nói, nhấn mạnh rằng ông Kono đã kêu gọi siết chặt trừng phạt với Bình Nhưỡng "theo lời sếp của ông ta".

Ngoại trưởng Kono hồi tháng trước nói lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên - liên quan đến việc chuyển hàng từ tàu sang tàu, tiền gửi về nước của lao động Triều Tiên ở nước ngoài và tiền ảo bị đánh cắp - cần phải chấm dứt để buộc ông Kim đưa ra "quyết định đúng".

trieu tien noi nhat quy quyet anh 2
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono. Ảnh: Kyodo.

Phản ứng trước những lời lẽ này, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, khẳng định lập trường của chính phủ không thay đổi.

"Thủ tướng Abe đang sẵn sàng phá vỡ lớp vỏ không tin tưởng lẫn nhau và trực tiếp đối mặt với Chủ tịch Kim để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và quan trọng hơn hết, là vấn đề bắt cóc (công dân Nhật)", ông Suga nói, theo South China Morning Post.

Những nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Triều Tiên thường xuyên gặp trở ngại bởi vấn đề 12 công dân Nhật được cho là bị phía Triều Tiên bắt cóc.

Năm 2002, lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il lần đầu tiên thừa nhận việc các quan quan tình báo nước này đã bắt cóc công dân Nhật Bản, trong đó 5 người được thả ra sau đó.

Bình Nhưỡng một mực cho rằng vấn đề đã được giải quyết, tuyên bố 12 người Nhật còn lại chưa bao giờ đến Triều Tiên hoặc đã chết sau đó. Tokyo phản đối cách giải thích này.

Quan chức Triều Tiên xuất hiện cùng ông Kim giữa tin đồn thanh trừng

Kim Yong Chol, cựu phái viên Triều Tiên trong đàm phán hạt nhân với Mỹ, xuất hiện và xem biểu diễn nghệ thuật cùng lãnh đạo Kim Jong Un, sau khi có tin ông "bị cho đi cải tạo".

Mỹ điều tra thông tin Triều Tiên 'hành quyết quan chức cấp cao'

Mỹ cho biết đang điều tra thông tin ông Kim Hyok Chol, đặc phái viên của Triều Tiên tại Mỹ, bị xử tử. Ông Kim từng đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.



Bạn có thể quan tâm