Hãng thông tấn Yonhap hôm 17/5 đưa tin Triều Tiên đã điều máy bay tới Trung Quốc để vận chuyển trang thiết bị y tế, vài ngày sau khi xác nhận đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên. Đây là những chuyến bay quốc tế đầu tiên của nước này trong hơn 2 năm qua. Dù vậy, truyền thông Hàn Quốc không đưa thông tin chi tiết.
Triều Tiên đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm chưa từng có. Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, quốc gia này đã ghi nhận gần 1,5 triệu người mắc các triệu chứng “sốt” tính đến ngày 16/5. Số ca tử vong cũng tăng lên 56 người.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã yêu cầu phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, sự thiếu hụt vật tư y tế và tỷ lệ tiêm chủng thấp đang cản trở nỗ lực của Bình Nhưỡng, buộc nước này tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm 14/5 cho biết sẽ rất hữu ích nếu nước này "tích cực học hỏi kinh nghiệm chống dịch tiên tiến của Bắc Kinh".
Thay đổi thái độ
Trước đây, Triều Tiên từng cảnh giác với vaccine của Trung Quốc, từ chối gần 3 triệu liều vaccine Sinovac vào năm 2021. Quốc gia này cũng từ chối lời đề nghị viện trợ vaccine từ chương trình COVAX và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Theo Nikkei Asia, chính quyền Bình Nhưỡng thường tỏ ra không mấy quan tâm đến vaccine trước công chúng, trái ngược với quan điểm của nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ phải thay đổi quan điểm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng vào năm 2019. Ảnh: KCNA. |
Về phía Trung Quốc, nước này luôn khẳng định sẵn sàng hỗ trợ quốc gia láng giềng.
“Với tư cách là đồng chí, láng giềng và bạn bè của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc sẵn sàng dốc toàn lực để hỗ trợ và giúp đỡ Triều Tiên trong nỗ lực chống dịch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 12/5.
Đến ngày 15/5, truyền thông Hàn Quốc đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã "đề nghị Trung Quốc hỗ trợ ứng phó tình hình dịch Covid-19 trong nước", thông qua "kênh ngoại giao". Tuy nhiên, thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng.
Nếu vaccine từ Trung Quốc được chấp nhận vào khoảng thời gian này, nó có thể sẽ được sử dụng cho phần lớn dân số Triều Tiên. Trong khi đó, các quan chức cấp cao có thể sẽ tìm đến các loại vaccine khác, thông qua cách thức bí mật.
Tuy nhiên, ngay cả khi Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận vaccine từ Trung Quốc, vẫn chưa rõ mức độ mà Bắc Kinh có thể cung cấp. Trung Quốc vốn đang vật lộn với sự gia tăng số các ca mắc Covid-19 nhanh chóng trong vài tháng qua, khiến nhiều thành phố lớn phải phong tỏa nghiêm ngặt.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu không thể kiểm soát được sự lây lan của SARS-CoV-2, Triều Tiên sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Sau Trung Quốc, lựa chọn khả dĩ nhất là COVAX hoặc các tổ chức đa phương.
Một sự lựa chọn khác - nhanh chóng hơn nhưng nhiều trở ngại về mặt chính trị - là chấp nhận vaccine từ Hàn Quốc. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đề nghị hỗ trợ Bình Nhưỡng “hết mình nếu các nhà chức trách Triều Tiên chấp thuận”.
Lựa chọn khó khăn
Tuy nhiên, tiến sĩ Sangsoo Lee, người đứng đầu Trung tâm Stockholm Hàn Quốc tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển, cho biết Triều Tiên sẽ cân nhắc kỹ trước khi chấp nhận bất kỳ loại vaccine nào từ nước ngoài, đặc biệt là phương Tây.
“Trong trường hợp sự hỗ trợ của Trung Quốc là không đủ, Triều Tiên có thể quyết định tiếp cận các nhóm viện trợ nhân đạo của châu Âu để được giúp đỡ nhiều hơn. Việc chấp nhận vaccine từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, có thể tác động tiêu cực đến sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un", vị tiến sĩ nhận định.
Nhân viên y tế khử trùng phòng ăn tại một nhà máy cung cấp thiết bị vệ sinh ở Bình Nhưỡng, vào ngày 16/5. Ảnh: Nikkei Asia. |
Ông Lee nói thêm rằng Triều Tiên cũng có thể e ngại sự can thiệp từ bên ngoài. Vì tiếp nhận hỗ trợ cũng đồng nghĩa Bình Nhưỡng sẽ phải để người ngoài vào trong nước, có khả năng dẫn đến "rò rỉ" thông tin.
Trong khi đó, ông Thae Yong Ho, một thành viên cấp cao đào tẩu từ Triều Tiên, hiện là một nhà lập pháp ở Hàn Quốc, cho rằng việc Bình Nhưỡng thiếu các thiết bị làm lạnh cũng là một trở ngại khác nếu tiếp nhận vaccine.
Nhận định về tình hình dịch Covid-19 ở Triều Tiên hiện nay, giáo sư Ramon Pacheco Pardo, Đại học King's College London, cho rằng quốc gia này dường như đang "bị áp đảo bởi biến chủng Omicron và cần cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ để kiểm soát tình hình", ngăn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, vị giáo sư cũng coi cuộc khủng hoảng y tế lần này là một "cơ hội" cho ngoại giao.
"Triều Tiên có thể sẵn sàng hợp tác (với các nước bên ngoài) về vấn đề này", ông nói với Nikkei Asia.
"Theo quan điểm của tôi, Hàn Quốc và Mỹ nên cung cấp vaccine, thuốc men, kiến thức chuyên môn,... cho Triều Tiên", ông nói, đồng thời cho rằng cách tiếp cận này sẽ "tạo cơ hội gắn kết bền vững hơn" với Bình Nhưỡng.