Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản nói Triều Tiên có khả năng sẽ thử lửa đạn đạo "trong vài ngày tới", dựa trên các tín hiệu vô tuyến thu được.
Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết đây có thể chỉ là một phần hoạt động huấn luyện mùa đông của Bình Nhưỡng, do hình ảnh vệ tinh chưa cho thấy tên lửa hoặc bệ phóng di động nào được triển khai.
Hình ảnh một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho hay đang "theo dõi sát Triều Tiên và sẽ tiếp tục duy trì như vậy". "Liên minh Mỹ - Hàn vẫn rất mạnh mẽ và đủ năng lực để đối phó mọi hành động khiêu khích hoặc tấn công từ Triều Tiên", Yonhap dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Manning hôm 27/11.
Ông Manning khẳng định ngoại giao vẫn là lựa chọn hàng đầu để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, phương án quân sự chỉ là dự phòng.
"Bộ Ngoại giao Mỹ đang rất nỗ lực thực hiện các phương án và sáng kiến ngoại giao với Trung Quốc", ông Manning cho biết khi được hỏi liệu Bắc Kinh, đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, có đáng tin cậy hay không.
Triều Tiên đang chịu nhiều lệnh cấm vận và trừng phạt quốc tế, nhằm buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng khẳng định chỉ nhằm chống lại sự thù địch của Mỹ.
Năm 2017 chứng kiến tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang mạnh mẽ. Chính quyền Kim Jong Un nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho biết Mỹ không có lựa chọn nào ngoài chấp nhận "Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân".
Triều Tiên năm nay đã phóng tổng cộng 22 tên lửa không mang đầu đạn trong 15 đợt thử nghiệm. Hồi tháng 7, Bình Nhưỡng lần đầu thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Hai tháng sau, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6 với quy mô lớn chưa từng có.
Từ giữa tháng 9 đến nay, Bình Nhưỡng không có bất cứ động thái khiêu khích nào, khiến giới chức quốc phòng và tình báo Mỹ bối rối.
Tầm bắn của một số tên lửa Triều Tiên. Đồ họa: BBC. |