Tuần trước, Washington Post báo cáo rằng Triều Tiên có nhiều đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn có thể trang bị cho tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công nước Mỹ. Điều đó báo hiệu “trò chơi đã kết thúc và Triều Tiên đã thắng”.
Trong một báo cáo được công bố trong tháng 7, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính, Bình Nhưỡng có khoảng 60 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn so với con số dự đoán trước đó. Điều đó cho thấy một thực tế, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng ngoại giao hoặc vũ lực đã khép lại.
Thế giới đã lầm
Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, một con số không nhiều nếu so với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Trung tâm James Martin, cho rằng rất nhiều người đã có nhận xét sai lầm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên được cho là thất bại, các thử nghiệm sau đó nhỏ hơn mức bình thường. Ông Lewis cho rằng có một quan điểm phổ biến, Triều Tiên bị cuốn vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân bằng mọi giá, nhưng luôn có một khả năng khác, “điều mà tôi dần nhận ra”.
Theo thông tin từ một người trốn khỏi Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã bỏ qua việc phát triển vũ khí hạt nhân bình thường mà tiến tới loại tiên tiến hơn, đủ nhỏ gọn để trang bị cho tên lửa đạn đạo và sử dụng một lượng tương đối nhỏ plutonium.
Một thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Các vụ nổ hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên có công suất thấp không phải là kết quả của sự thiếu năng lực, mà đó là tham vọng. Vì vậy, trong khi thế giới đang cười trước những thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng đang học hỏi và tiến bộ không ngừng.
Vấn đề tiếp theo là các thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên được thực hiện trong lòng núi rộng lớn. Gần đây, Trung tâm James Martin đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ vệ tinh để xây dựng mô hình 3D. “Chúng tôi nhận thấy rằng những ngọn núi cao đến nỗi có thể che giấu được những vụ nổ hạt nhân lớn”, ông Lewis nói.
Nhà phân tích Lewis nhận xét Bình Nhưỡng đã chấp nhận một số rủi ro kỹ thuật để đẩy nhanh tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân phù hợp với tên lửa. Thực tế vũ khí hạt nhân Triều Tiên sử dụng ít vật liệu phân hạch hơn chúng ta nghĩ, điều đó giải thích vì sao Bình Nhưỡng có nhiều vũ khí hạt nhân hơn so với các báo cáo trước đó.
Triều Tiên từng tuyên bố vụ thử hạt nhân đầu tiên chỉ sử dụng 2 kg plutonium, trong khi bình thường cần ít nhất 8 kg. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng tuyên bố này là không thực tế. Thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên đã thất bại nhưng vấn đề là Bình Nhưỡng đã cố gắng và các thử nghiệm sau đó đã thành công.
Hơn một thập kỷ đã qua từ vụ thử hạt nhân đầu tiên, nhiều nhà phân tích cho rằng phải mất một năm để các nhà khoa học Triều Tiên thiết kế đầu đạn hạt nhân nhỏ gọn lắp vừa trên tên lửa. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho thấy Bình Nhưỡng đều vượt qua các cột mốc quan trọng.
Robert Litwak, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, Mỹ nói rằng chương trình hạt nhân Triều Tiên ban đầu giống như Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và bây giờ trông như Dự án Manhattan. Điều này tạo ra một cảm giác khẩn cấp đằng sau chương trình mới dưới thời ông Kim Jong Un.
Năng lực làm giàu uranium của Triều Tiên thực sự là một ẩn số. Cơ sở làm giàu uranium duy nhất mà các quan sát viên nước ngoài tiếp cận được nhỏ hơn nhiều so với năng lực khai thác uranium của nước này. Ông Lewis nhận định có nhiều hơn một cơ sở làm giàu uranium tại Triều Tiên.
“Trừ khi cộng đồng tình báo biết chính xác những nơi mà Triều Tiên đang làm giàu uranium, chúng ta chỉ có thể đoán về số lượng vũ khí hạt nhân của nước này, 60 là một con số hợp lý”, ông Lewis nói.
Cuộc chơi đã thay đổi
Một số nhà phân tích vẫn nghĩ rằng Mỹ có thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, hoặc ít nhất là đóng băng chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhà phân tích Lewis nghi ngờ điều này. Thực tế các biện pháp trừng phạt từ trước đến nay nhằm ngăn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân gần như đã thất bại.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 có thể tấn công nước Mỹ. Ảnh: KCNA. |
Các tùy chọn khác cơ bản là khủng khiếp, không có lựa chọn quân sự nào đáng tin cậy. Bình Nhưỡng có số lượng tên lửa vũ trang hạt nhân không rõ ràng, có thể là 60 đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả tên lửa có thể bắn tới Mỹ.
Không có gì đảm bảo cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ sẽ xóa sổ toàn bộ tên lửa và đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, lá chắn tên lửa của Mỹ chưa chắc sẽ đánh chặn hết các tên lửa. Chỉ một tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân rơi xuống Seoul, Tokyo, thậm chí Washington thì đó sẽ là thảm họa.
Mỹ ở khá xa Triều Tiên nên mối đe dọa với họ đa phần vẫn nằm ở khía cạnh lý thuyết. Tuy nhiên, Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ ở sát Triều Tiên sẽ ra sao khi cuộc tấn công phủ đầu không tiêu diệt được năng lực phản công của Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của tạp chí Diplomat, cho biết chính quyền Trump dường như không mặn mà với việc nối lại đàm phán 6 bên, trong khi các biện pháp trừng phạt không thực sự hiệu quả. Washington không muốn đàm phán thì Mỹ nên học cách quen dần với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
Ông Lewis kết luận không có lý do nào để nghĩ rằng Triều Tiên không tiến bộ và chính sách đối với Bình Nhưỡng hiện tại đã lỗi thời. Mỹ và nhiều nước khác vẫn không muốn chấp nhận một thực tế rằng Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân có thể lắp trên tên lửa.