Vào giữa tháng 3, Paul Garner cứ nghĩ ông bị ho nhẹ. Là một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, ngày hôm đó ông đã thảo luận về dịch Covid-19 với David Nabarro, đặc phái viên của Vương quốc Anh về đại dịch. Khi kết thúc cuộc gọi trực tuyến, ông Nabarro khuyên ông Garner nên ngay lập tức về nhà và tự cách ly.
Vị giáo sư đã nghe theo lời khuyên của ông Nabarro dù ông cảm thấy "chỉ hơi mệt một chút", theo Guardian.
Nhiều ngày sau đó, ông có những biểu hiện kỳ lạ. Người đau nhức "như bị ai đánh", đầu đau như búa bổ. "Những triệu chứng rất kỳ cục", ông nói. Ngoài ra, giáo sư Garner còn bị mất khứu giác, tức ngực và tim đập nhanh. Đã có lúc ông nghĩ rằng mình sắp chết. Ông cố gắng lên mạng tra cứu triệu chứng của bệnh viêm cơ tim, nhưng ông quá mệt đến nỗi không thể sử dụng máy tính.
Hàng loạt triệu chứng kỳ lạ
Giáo sư Garner gượng gạo thừa nhận mình là thành viên của "nhóm miễn dịch bầy đàn". Đây là cụm bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 trước khi Anh tuyên bố phong tỏa. Ông cho rằng bệnh tình của mình sẽ chóng khỏi. Tuy nhiên, tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn, sức khỏe giảm sút rõ rệt, tinh thần lao dốc và cơ thể hoàn toàn kiệt sức.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lạ và thời gian biểu hiện triệu chứng kéo dài. Ảnh: AFP. |
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới gây ra một loạt các triệu chứng nặng hơn nhiều so với trước đây. Thời gian biểu hiện triệu chứng cũng có thể dài hơn khiến người bệnh rất khổ sở. Trong trường hợp của giáo sư Garner là 7 tuần.
Giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool cho biết từ kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy mỗi ngày Covid-19 lại có thêm triệu chứng mới. Ông bị đau đầu, đau bụng, ù tai, khó thở, chóng mặt và viêm khớp ở tay. Mỗi lần ông Garner nghĩ rằng mình đã đỡ hơn thì sau đó bệnh lại trở nặng hơn.
"Rất tuyệt vọng. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình. Người thân thiết của bệnh nhân thậm chí còn bắt đầu tự hỏi là người bệnh liệu có vấn đề tâm lý hay không", ông viết trên tạp chí British Medical Journal.
Kể từ khi bài viết được xuất bản, giáo sư Garner đã nhận được email và những cuộc điện thoại đẫm nước mắt từ những độc giả. Họ biết ơn ông vì họ cứ nghĩ rằng họ đang phát điên.
"Tôi là người làm trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Virus chắc chắn gây ra nhiều thay đổi đối với hệ miễn dịch trong cơ thể, rất nhiều bệnh lý kỳ lạ mà chúng ta chưa hiểu. Đây là một căn bệnh mới lạ, và nguy hiểm. Sách giáo khoa chưa hề đề cập đến những điều này", ông nói.
Theo nghiên cứu mới nhất, khoảng 1/20 bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện triệu chứng thất thường trong thời gian dài. Thời gian dài ở đây có thể là hai tháng, ba tháng hoặc lâu hơn. Theo ông Garner, triệu chứng có thể rất giống sốt xuất huyết.
Bệnh viện Đại học King ở phía nam thủ đô London được mở rộng quy mô để chữa trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty. |
Covid-19 là "bệnh đa hệ thống"?
Giáo sư Tim Spector, thuộc Đại học King ở London, ước tính rằng một số lượng đáng kể bệnh nhân nhiễm phải virus corona chủng mới dạng "đuôi dài". Theo ông Spector, khoảng 200.000 bệnh nhân được ghi nhận có triệu chứng kéo dài trong suốt thời gian nghiên cứu, khoảng 6 tuần.
Cho đến nay, chính phủ không thu thập thông tin về những ca bệnh nhẹ lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng họ thường biểu hiện các triệu chứng "suy nhược".
"Những người này có thể sẽ quay trở lại làm việc nhưng không thể làm việc hết sức được. Nhiều vấn đề của Covid-19 đã bị bỏ qua vì mọi người nghĩ rằng 'nếu vẫn chưa chết thì bạn vẫn ổn'", ông Spector nói.
"Chúng tôi là quốc gia phát minh ra dịch tễ học. Chúng tôi đã tạo ra mọi loại nghiên cứu dịch tễ học, nhưng không ứng dụng được. Thật xấu hổ", ông nói thêm.
Nhiều bệnh nhân Covid không bị sốt và ho. Thay vào đó họ bị đau cơ, đau họng và đau đầu. Ứng dụng do nhóm nghiên cứu của giáo sư Spector phát minh đã theo dõi 15 loại triệu chứng khác nhau. "Tôi đã nghiên cứu 100 loại bệnh. Covid-19 là bệnh kỳ lạ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu y học của tôi", ông Spector cho biết.
Hiện mới chỉ có thông tin khoa học đơn giản cho Covid-19. Lynne Turner-Stokes, giáo sư tại Đại học King, cho biết Covid-19 là "bệnh đa hệ thống" có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào. Nó gây ra các vấn đề vi mạch và cục máu đông. Phổi, não, da, thận và hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thần kinh có thể nhẹ (nhức đầu) hoặc nghiêm trọng (nhầm lẫn, mê sảng, hôn mê).
Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế Excel London biến thành bệnh viện dã chiến chống Covid-19. Ảnh: AP. |
Giáo sư Turner-Stokes cho rằng hiện vẫn chưa rõ tại sao căn bệnh này đôi khi lại kéo dài như vậy. Một giả thuyết là khi nhiễm bệnh, hệ thống miễn dịch cơ thể của bệnh nhân rơi vào tình trạng quá tải. Một giả thuyết khác là những triệu chứng đó do virus gây ra.
Các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đang hợp tác với nhau để nghiên cứu dữ liệu mới nhất từ các nước châu Âu bùng phát dịch trước Vương quốc Anh, như Italy và Tây Ban Nha, cũng như Trung Quốc. Họ đang nỗ lực tìm ra biện pháp hỗ trợ cho bệnh nhân có triệu chứng nặng hay mắc bệnh nền. Giờ đây, Covid-19 đang đặt ra thách thức tương tự như HIV/AIDS trong quá khứ.
Trong khi đó, những người nhiễm Covid-19 có biểu hiện triệu chứng trong thời gian dài đang so sánh tình trạng bệnh của mình thông qua một nhóm hỗ trợ trực tuyến. Người bệnh có thể trao đổi trong nhóm chat và hầu hết họ đều cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra nhiều người khác cũng ở trong tình trạng bệnh nặng tương tự, có nghĩa họ không tự tưởng tượng ra bệnh của mình.