Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Triết lý về tình yêu và cái chết của Schopenhauer

“Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” là một tập của bộ sách “Thế giới như là ý chí và biểu tượng”, được xem là một kiệt tác triết học của Arthur Schopenhauer.

Đây vốn là hai chương của tập bổ túc cho sách. Tác phẩm Thế gian như thể ý chí và biểu tượng của Schopenhauer được xuất bản năm 1819, không chỉ là bài thuyết trình chủ đạo về triết học mà còn là một bản ghi toàn diện quan điểm của Schopenhauer về nhân loại.

Điểm nhấn triết học của ông là thực tế thiết yếu duy nhất trong vũ trụ là ý chí, và tất cả các hiện tượng hữu hình chỉ là những đại diện chủ quan của “điều đó là điều duy nhất trong bản thân” thực sự tồn tại. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khiếm khuyết duy nhất trong hệ thống suy tưởng triết học của ông chính là xu hướng bi quan được thể hiện rất rõ rệt.

ve tac pham Sieu hinh tinh yeu,  sieu hinh su chet anh 1
Tác phẩm Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết của Arthur Schopenhauer.

Trong tập sách này đưa ra quan điểm của Schopenhauer về hai vấn đề quan trọng nhất của con người: tình yêu và cái chết.

Xem xét một cách toàn diện, trong phần đầu tiên của cuốn sách, ta thấy Schopenhauer tập trung bàn về cảm xúc lãng mạn trong tình yêu. Theo ông, cái quyết định trong tình yêu, tạo sự gắn kết trong tình yêu không phải là cảm xúc cá nhân mà chính là bản năng của giống loài.

Ông nói rằng, việc con người chúng ta bị thu hút bởi người khác phái đều chỉ bắt nguồn từ mục đích sinh sản. Việc đưa ra tất cả những bằng cớ bắt nguồn từ nhiều thực tế, Schopenhauer đã cho rằng, tình yêu rốt cục chỉ là bản năng duy trì giống loài.

Theo Schopenhauer đó là cách để duy trì hạnh phúc cá nhân của con người. Ông cho chúng ta thấy những tiêu chí lựa chọn vô thức của con người đối với đối tác của họ như vẻ đẹp, sức khỏe, sự quyến rũ. Con người tìm kiếm đối tác xinh đẹp, mạnh mẽ và khỏe mạnh như vậy thực sự chỉ nhằm có cơ hội tốt nhất để tạo nên một đứa trẻ có tình trạng tốt nhất.

Nó cũng cho chúng ta thấy làm thế nào và tại sao những người đàn ông không chỉ tìm kiếm những người phụ nữ đẹp và có trí tuệ. Ông cũng đưa ra lập luận về sự thu hút giữa những đối tác có sự đối lập nhau, chẳng hạn như tại sao ta lại thường bắt gặp các cặp vợ chồng mà người đàn ông thường vững chãi, uy lực, thô bạo trong khi người phụ nữ thường rất nhẹ nhàng, trí tuệ và cởi mở.

Cuốn sách cũng đề cập đến số phận của những cuộc hôn nhân tình yêu và hôn nhân sắp đặt, để rồi đi đến kết luận về thuyết siêu hình tình yêu của ông.

Đây là một phần được Schopenhauer viết rất phong phú và thú vị. Thứ triết học về tình yêu mà ông trình bày vô cùng dễ hiểu, lôi cuốn, và đặc biệt hài hước.  Nó dễ dàng cuốn hút độc giả, khiến độc giả say mê đọc và có lẽ nhiều người sẽ gật gù tán thành. Dù đến nay, trước những diễn biến vô cùng phức tạp trong đời sống tình yêu của con người, triết lý của Schopenhauer có phần trở nên đơn giản, nhưng nó vẫn giải thích được cái bản chất sơ khai nhất về tình yêu của con người.

Trong phần hai của cuốn sách, Schopenhauer bàn về cái chết. Theo triết gia, cuộc sống sau cái chết là một truyền thuyết.

Đây cũng là phần khá dễ đọc. Nó không đòi hỏi quá nhiều kiến thức nền tảng khi tiếp cận. Một cuốn sách sẽ khiến bạn ấn tượng và thậm chí bị choáng ngợp, nó gợi mở nhiều suy nghĩ kích thích ham muốn tìm hiểu, và nó đưa ra một tầm nhìn thực sự đáng tin cậy trong quan niệm về cái chết.

Tác giả mô tả một cách chi tiết những gì đang chờ đợi chúng ta sau cái chết, có vẻ như nói về điều này một cách chắc chắn tuyệt đối, như thể ông đã từng đi sang thế giới bên kia. Bằng những lập luận vô cùng thuyết phục, tin cậy, ông bày biện trước mặt độc giả một thế giới sau cái chết rõ ràng và cụ thể.

ve tac pham Sieu hinh tinh yeu,  sieu hinh su chet anh 2
Triết gia người Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860).

Trong tập sách này, Schopenhauer cũng khẳng định rằng, sự sợ chết chẳng phải phát sinh từ ý thức. Ông cho rằng con người bị đời sống thu hút cũng chỉ vì cái “xu hướng hão huyền về khoái lạc”. Đó chính là cái ý chí không có tri thức. Ông đề cao tri thức, như một sự cứu cánh, giải thoát con người khỏi những ngu muội của ham muốn và ảo ảnh.

Nói về cái chết, Schopenhauer đã viện dẫn hài hòa nhuần nhuyễn rất nhiều những tri thức của các tôn giáo, từ tư tưởng Bà La Môn, kinh Vệ đà đến Đức phật. Nguồn tri thức giàu có và dồi dào cùng với tư tưởng sâu sắc, văn phong nhuần nhuyễn, mạch lạc, Schopenhauer đã tạo nên một bầu không khí gần gũi cho độc giả muốn tiếp cận suy niệm về cái chết của ông.

Dù vậy, như đã nói ở trên, trong tư tưởng của Schopenhauer hàm chứa những điều bi quan, bởi thế trong phần “siêu hình sự chết” của ông cũng phảng phất nhiều nỗi buồn.

Một tác phẩm đồ sộ về sự nghiệp và cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo

Cuốn sách “Hành trình Trần Đức Thảo - Hiện tượng học và chuyển giao văn hoá” vừa được dịch tại Việt Nam.


Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm