Họa sĩ Tạ Huy Long sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Nội thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Hiện tại, anh đang công tác tại NXB Kim Đồng. Mặc dù tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng họa sĩ Tạ Huy Long đã có những giải thưởng rất đáng kể trong sự nghiệp.
Năm 2005, anh đoạt giải vàng Sách đẹp do Hội Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam trao cho bộ tranh truyện lịch sử màu, giải bìa đẹp cho bộ sách văn học Nga. Năm 2006, anh đoạt giải A khu vực, giải C toàn quốc giải thưởng Hội Mỹ thuật thường niên trao cho tác phẩm tranh truyện lịch sử Yết Kiêu - Dã Tượng.
Có thể nói sự nghiệp của Tạ Huy Long gắn bó rất nặng tình với sử Việt. Anh luôn chọn chủ đề về lịch sử, những vị vua, vị tướng làm nên những dấu ấn hào hùng của dân tộc. Tài năng hội họa ấy thêm một lần tỏa sáng trong ấn bản tác phẩm Lĩnh Nam chích quái kèm tranh minh họa vừa ấn hành.
Dù mới phát hành không lâu nhưng cuốn sách đã chay hàng tại nhiều nhà sách. |
Lĩnh Nam chích quái ghi lại những chuyện kỳ lạ ở nước Nam là một danh tác văn học trung đại, một báu vật trong di sản văn hóa của ông cha.
Ở Lĩnh Nam chích quái những truyện tích thần kỳ được góp nhặt và ghi chép lại thể hiện quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc về phong tục tập quán, về cách đối nhân xử thế... Tác phẩm được viết bằng chữ Hán vào khoảng đời Trần, qua thời gian được sự nhuận sắc, chỉnh sửa, bồi đắp cuả nhiều thế hệ các nhà nho Việt Nam.
Hoạ sĩ Tạ Huy Long trong buổi ra mắt cuốn sách tối 11/6 tại Hà Nội. |
200 bức tranh vẽ minh họa trong Lĩnh Nam chích quái thể hiện một quá trình lao động rất lớn của họa sĩ Tạ Huy Long. Anh đã có những chia sẻ về cái duyên của mình trong buổi ra mắt Lĩnh Nam chích quái: “Ban đầu tôi nhận vẽ chỉ đơn thuần mang tính chất công việc khi nhà xuất bản đưa bản thảo và phòng mỹ thuật có nhiệm vụ vẽ, trình bày trang bìa, sản xuất như bao cuốn sách khác mà thôi. Nhưng cuốn sách rơi vào thời điểm chính bản thân tôi có một sự thay đổi.
Qua một quá trình vẽ truyện tranh lịch sử, đọc nhiều sách lịch sử, tôi có cái nhìn khác về sử Việt. Với Lĩnh Nam chích quái tôi muốn truyền tải cho người trẻ nhìn nhận lại lịch sử của mình. Trước đây tôi vẽ lịch sử với tinh thần tự hào dân tộc. Nhưng giờ tôi nghĩ xa hơn lịch sử là để rút kinh nghiệm, để người ta nhìn nhận lại công minh hơn, sáng rõ hơn.”
Họa sĩ Tạ Huy Long coi Lĩnh Nam chích quái như một quá trình thay đổi tự nhiên để thoát ra khỏi lối mòn mình đang sa đà. Anh tìm lại những tiềm thức đã qua đi, vẽ lại những nhân vật mà bản thân người họa sĩ phải đặt vào bối cảnh, tưởng tượng xem kiếp sau của mình là gì để vẽ.
Tác phẩm lần này được Tạ Huy Long ví như một hành trình tìm kiếm bản thâm, đòi hỏi quá trình lao động cực kỳ vất vả. Có những mảng miếng nhân vật người họa sĩ phải mất nhiều ngày suy nghĩ trước khi đặt bút vẽ.
Lĩnh Nam chích quái không phải là sản phẩm độc tôn của dân tộc Việt Nam. Nó là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa, vì vậy có những yếu tố của văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… mang những dụng ý của người họa sĩ. Lĩnh Nam chích quái với lần xuất bản thứ ba được bổ sung thêm những bức tranh minh họa màu tuyệt đẹp, vén bức màn quá khứ để phát quang ánh sáng của viên ngọc minh châu quý giá này.