Trà thường được thưởng thức trong không gian yên tĩnh. Ảnh: Foody. |
Trong tất cả các trà sư sống ở đời Đường, Lục Vũ là người nổi tiếng nhất, nổi tiếng đến nỗi, ông được gọi là “cha đẻ của trà”, “thánh trà”, “bậc hiền nhân về trà”, và “thần trà”.
Mặc dù có một số nghi vấn về ngày và nơi sinh chính xác của ông, có lẽ Lục Vũ được sinh ra tại Cánh Lăng vào khoảng thời gian từ 728 đến 733. Có vô số câu chuyện và truyền thuyết về ông, hầu hết đều nói rằng ông bị bỏ rơi khi còn bé và được nhà sư Tích Công nhận nuôi, sống những năm đầu đời ở chùa.
Tuy nhiên, bất chấp môi trường xung quanh thời trẻ, Lục Vũ tỏ ra không phù hợp với cuộc đời tu sĩ. Ông ở trong tình trạng nổi loạn thường xuyên khiến các nhà sư trừng phạt bằng cách giao cho ông những nhiệm vụ khó khăn và thấp kém. Các nhà sư hy vọng rằng khi Lục Vũ thực hiện các nhiệm vụ này, ông sẽ học được tính kỷ luật và khiêm tốn cần thiết để tiếp tục tu học, nhưng tất cả đều vô ích.
Năm mười ba tuổi, Lục Vũ chạy trốn khỏi chùa đi theo một đoàn hát và thực hiện ước mơ trở thành một chú hề. Ông có vẻ hoàn toàn phù hợp với cuộc sống này và khiến khán giả thích thú ở bất cứ nơi nào ông đến, chơi trò giả ngốc để làm cho mọi người cười.
Tuy nhiên, bất chấp sự hiếu động của mình, Lục Vũ đã thể hiện một trí tuệ sắc sảo khác thường, và ông sớm cảm thấy nhàm chán với việc biểu diễn cùng đoàn hát. Mặc dù ông không nhớ nhung gì cuộc sống khắc khổ và đơn giản của các nhà sư, nhưng ông nhớ cuộc sống của một người học trò.
Sách Lịch sử của trà đã tái hiện lại hành trình của trà trên nhiều nền văn hóa khác nhau. Ảnh: H.H. |
May mắn thay, một trong những người ngưỡng mộ Lục Vũ lớn nhất là một vị quan, người đã nhận thấy được những khao khát trí tuệ của chàng trai trẻ. Sự bảo trợ của vị quan đã cho phép Lục Vũ tiếp tục việc học bằng cách nghiên cứu các tác phẩm cổ trong khi vẫn tiếp tục với nghề nghiệp của mình.
Sau đó, vào năm 760, một cuộc nổi loạn vũ trang đã buộc Lục Vũ rời khỏi nơi ông đang biểu diễn với đoàn hát. Cùng với nhiều người khác, ông lánh nạn ở làng Hồ Châu tại tỉnh Chiết Giang ngày nay - một bước ngoặt bất ngờ hóa ra lại là may mắn cho chú-hề-biến-thành-học-giả này.
Khí hậu của khu vực này hoàn toàn phù hợp để trồng trà. Thời tiết ấm áp, có nhiều độ ẩm, đất rất phong phú và màu mỡ. Có rất nhiều vườn trà và quán trà.
Giống như những chàng trai trẻ khác, Lục Vũ bị thu hút bởi các quán trà, mà theo thông lệ thời đó là nơi đàn ông tụ tập. Trên khắp đất nước, các chốn này là nơi bạn bè và học giả đến với nhau, không chỉ để uống và nói chuyện về trà, mà còn để thảo luận về nghệ thuật và thưởng nhạc.
Trong những quán trà tốt nhất, không khí đượm mùi nhang trầm cùng hương hoa quý hiếm, và chỉ những loại trà ngon nhất được phục vụ. Trong bầu không khí như vậy, người ta có thể thư giãn và tận hưởng những sắc thái tinh tế nhất của thú vui thẩm mỹ, bao gồm cả việc tận hưởng hương vị của loại trà chất lượng tốt nhất.
Sau một thời gian, Lục Vũ trở nên thân thiết với một người đàn ông tên là Jiao Ran, Jiao Ran sở hữu một trong những quán trà ở vùng Chiết Giang, và trước đó khá lâu thì Lục Vũ đã sớm bị mê hoặc và ám ảnh bởi trà. Chính tại quán trà của bạn, ông đã tìm thấy lối thoát hoàn hảo cho tham vọng học thuật của mình. Chẳng bao lâu sau, ông không chỉ điều hành quán trà cho Jiao Ran, mà còn học hỏi rất nhiều về trà.
Trà trở thành tâm điểm của cuộc đời Lục Vũ. Ông không ngừng nỗ lực tìm hiểu mọi thứ cần biết về trà. Kết quả của niềm đam mê ám ảnh này là một bộ sách gồm ba tập, mười phần có tên là Trà kinh (Ch’a Chíng), xuất bản năm 780.
[...]
Tác phẩm bắt đầu với việc miêu tả cây trà và môi trường sống của nó. Lục Vũ thuật lại rằng những cây trà mọc tự nhiên trên đồi và bên cạnh những con suối ở tỉnh Tứ Xuyên “đôi khi lớn đến nỗi phải cần tay của hai người đàn ông để quây quanh thân của chúng”.
Ông tiếp tục nói rằng những bông hoa của cây trà giống như “hoa hồng quế trắng” và những hạt giống trà tương tự như hạt giống của cây dừa. Sau khi miêu tả về cây trà, ông đưa ra lời khuyên về những nơi tốt nhất để trồng trà: thuận lợi nhất là trong đất có lẫn đá, tiếp theo là đất đá sạn, và ít thuận lợi nhất là đất sét vàng.
Về hương vị, Lục Vũ rõ ràng thích lá trà dại hơn lá của cây trà trồng trong không gian hạn chế - một so sánh bất khả thi đối với những người uống trà hiện đại bởi vì bất cứ cây trà dại nào có thể còn tồn tại đến ngày nay cũng cực kỳ hiếm. Trong thời của Lục Vũ, việc trồng trà dĩ nhiên không phổ biến như bây giờ.
Trà kinh là cuốn sách đầy tâm huyết của Lục Vũ, người được mệnh danh là "Thần trà". Ảnh: Y.T. |
Ông khuyên những người trồng trà nên chọn những chồi mới, mà ông cho là tốt hơn so với mầm (trái ngược với người trồng hiện đại thường coi trọng mầm), và ông coi những đầu lá trà xoăn vượt trội hơn so với đầu lá thẳng.
Trà kinh đưa ra lời khuyên cụ thể cho việc thu hoạch lá trà, gợi ý rằng việc thu hoạch chỉ nên diễn ra khi trời quang mây tạnh. Lá trà dài ba đến bốn tấc (khoảng 10-13cm) nên được hái trong khoảng tháng 3, 4 và 5. Có lẽ sau đây là câu trích dẫn nổi tiếng nhất của Trà Kinh: “Những chiếc lá chất lượng tốt nhất phải có nếp gấp như chiếc ủng da của kỵ sĩ Tác-ta, cuộn tròn như yếm của một con bò đực dũng mãnh, mở ra như một màn sương bốc lên từ khe núi, lấp lánh như mặt hồ được gió nhẹ mơn man, ẩm ướt và mềm mại như đất mịn vừa bị mưa cuốn.”
Công trình xuất sắc của Lục Vũ đã bao gồm đầy đủ các loại trà trong văn hóa Trung Quốc. Tại phần Năm, ông nói, “Sau khi nướng... [bánh trà] nên được đặt trong một bao giấy để không bị mất đi mùi thơm dịu nhẹ của nó (một dấu hiệu rõ ràng rằng bao giấy đã được sử dụng ở Trung Quốc trong thế kỷ thứ 8).
Phần lớn bí quyết ấn tượng của ông trong việc pha trà liên quan đến việc lựa chọn nước cẩn thận. Có một câu chuyện được kể là từ một tách trà, Lục Vũ có thể xác định chính xác nơi nước pha trà được lấy - là dọc theo bờ sông hay giữa dòng. Đối với sở thích về nước pha trà của mình, ông nói rằng nước từ một con suối trên núi là tốt nhất, sau đó là nước sông, trong khi nước giếng là có chất lượng thấp nhất.
Lục Vũ giải thích về phương pháp xác định nhiệt độ nước tốt nhất để pha trà một cách đầy thơ mộng: “Khi nước sôi lần đầu, xuất hiện một cái gì đó giống như mắt của cá trên bề mặt, và có thể nghe thấy một tiếng động nhỏ. Sau đó, xuất hiện một thứ giống như con suối đang lao tới và trên bờ là một chuỗi ngọc trai, đây là lần sôi thứ hai.”
Trà được bẻ ra khỏi bánh trà đã nướng, nghiền thành bột, và cho vào nước sau khi “sôi lần thứ hai”. Sự xuất hiện của “sóng và sủi bọt” được gọi là “sôi lần thứ ba”. Một gáo đầy nước lạnh được thêm vào thời điểm này, để “hồi sinh sự tươi trẻ của nước” và để tăng hương vị của trà đang sôi. Nếu trà còn bị để lại trong ấm sau khi sôi lần thứ ba, nó được coi là “quá sôi”, và Lục Vũ khuyên không nên sử dụng nếu ai đó muốn hương vị vượt trội.
Phần sáu đưa ra hướng dẫn cho việc uống trà, bắt đầu với lời phát biểu rằng tất cả các sinh vật, bao gồm cả chim muông và thú vật, phải uống để sống. Lục Vũ cho rằng đó là vai trò của nước, và rượu được sử dụng để nhấn chìm nỗi buồn còn trà được uống để tránh buồn ngủ.
Theo Lục Vũ, trà nên được uống bốn hoặc năm lần một ngày đối với những người bị “trầm cảm, đau đầu, đau mắt, mệt mỏi tứ chi hoặc đau khớp”. Ông cũng viết rằng trà đắng kết hợp với rễ hẹ rất tốt cho “những đứa trẻ hay sợ hãi và loạng choạng mà không có nguyên nhân rõ ràng”.
Mặc dù nhiều người vẫn đang thêm phụ gia và các thành phần kỳ lạ khác vào trà, nhưng sở thích về hương vị vượt trội của Lục Vũ là không cho thêm gì ngoại trừ một chút muối, được rắc vào sau khi đun sôi lần đầu tiên. Như ông đã diễn tả trong phần thứ sáu, “Đôi khi hành, gừng, táo tàu, vỏ cam và bạc hà được sử dụng, và trà được phép đun sôi một lát trước khi hớt bọt. Than ôi! Đây là nước bẩn của một con mương.”
Phần thứ tư của Trà kinh dành riêng cho hai mươi bốn dụng cụ cần thiết trong việc pha chế trà. Điều này được gọi là Trà đạo của Lục Vũ và là tiền thân của việc tạo ra nghi thức về trà, đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó, và đặc biệt hơn, tại Nhật Bản. Nổi tiếng về sự chú ý đến từng chi tiết, Lục Vũ đưa ra các phép đo chính xác cho từng dụng cụ được sử dụng, bao gồm một chiếc giỏ “tất-cả-trong-một”“cao mười bốn tấc ba phân (43cm), dài hai mươi ba tấc sáu phân (71cm) và rộng chừng hai mươi tấc ba phân (61cm)”, được sử dụng để đựng các dụng cụ pha trà cần thiết.
Dụng cụ thứ mười tám mà Lục Vũ bàn đến là chiếc chén uống trà bằng sứ. Ông gợi ý rằng những chiếc đến từ Dự Châu là tốt nhất, rõ ràng ông thích men sứ màu xanh ngọc tuyệt đẹp đặc trưng cho tách được làm ở miền Bắc. Ông cho rằng những chiếc chén sứ này mang lại cho đồ uống sắc thái lục nhạt, dễ chịu. Những chiếc tách trắng, ông tiếp tục nói, tạo cho trà một màu hồng nhạt mà ông cho là khó chịu.
Sự chú ý đến các chi tiết như vậy có vẻ quá mức đối với người phương Tây ngày nay, nhưng Lục Vũ đã sống trong một thời đại mà Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều thịnh hành. Mỗi một hướng đi trong ba con đường đó đều rất giàu tính biểu tượng và bao gồm việc thực hành tâm linh sâu sắc.
Kakuzo Okakura, học giả và giám tuyển về nghệ thuật Nhật Bản tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, đã viết trong tác phẩm của ông năm 1906, cuốn Trà Thư, rằng “Trường phái tượng trưng của thuyết phiếm thần thời đó thúc giục người ta phản ánh cái Tổng thể trong cái Cụ thể.” Đây là một trong những món quà lớn nhất của Lục Vũ, khi ông tìm thấy được phương tiện để thể hiện sự hài hòa và trật tự phổ quát trong các chi tiết riêng biệt của việc pha và dọn một chén trà.
Sau khi Lục Vũ xuất bản cuốn Trà kinh, ông tận hưởng sự nổi tiếng như cồn, thu hút sự chú ý của cả nông dân, những người đã nghe kể về sự tinh thông trà của ông, và của cả triều đình. Ông và Hoàng đế Đại Tông (763-779) cuối cùng đã trở thành bằng hữu. Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng của mình, Lục Vũ vẫn bồn chồn và không hài lòng. Trớ trêu thay, đến cuối đời, ông lại tìm kiếm lối sống gần như của một tu sĩ, đủ cả sự cô độc, tĩnh lặng và thời gian để chiêm nghiệm và thiền định.