Lễ khai mạc triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” diễn ra ngày 21/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Triển lãm trưng bày 110 bài thơ do nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác. Bà Dung có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua.
Các bài thơ in trên lụa, khung tre ngà, kèm hình ảnh từ nguồn của Thông tấn xã Việt Nam, ảnh của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và nhiếp ảnh gia Trần Hồng.
Một phần không gian triển lãm. Ảnh: BTC. |
Triển lãm chia thành ba chủ đề: Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Vị tướng trong lòng dân và Sáng mãi ngàn năm.
Nội dung triển lãm tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những hình ảnh dung dị, đời thường của một con người vĩ đại và bày tỏ tình cảm kính trọng, mến yêu của nhân dân Việt Nam dành cho ông.
Nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ sự xúc động tại lễ khai mạc triển lãm. Với bà, triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức đã thể hiện tình cảm, sự tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“May mắn tôi được bảo tàng đón nhận 110 bài thơ để tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chương trình càng ý nghĩa”, bà Dung nói.
Bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho biết đây là lần đầu đơn vị tổ chức triển lãm diễn ca bằng thơ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, tác giả các bài thơ tại triển lãm. Ảnh: BTC. |
Bà Vân đánh giá cao cách tiếp cận độc đáo của tác phẩm tại triển lãm: “Triển lãm đã minh chứng rằng cách tiếp cận của người phụ nữ luôn tạo ra sức mạnh riêng từ sự mềm mại và nữ tính trong tâm hồn, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Với 110 bài thơ giản dị, mộc mạc, cùng hàng trăm bức ảnh tư liệu, triển lãm không chỉ là lời tri ân sâu sắc với vị đại tướng tài ba của dân tộc, mà còn tái hiện dấu son lịch sử, những bài học về sự đoàn kết đồng lòng phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ trước”.
Bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói triển lãm được làm công phu, theo hình thức độc đáo, ấn tượng nhưng lại gần gũi với người Việt Nam và cũng gần với phong cách mà khi còn sống Đại tướng rất thích - đó là những điều giản dị và đi thẳng vào lòng người.