Ngày 7/5/1954 đi vào lịch sử dân tộc như dấu ấn quan trọng. 67 năm qua, nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu về chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi cuốn sách cung cấp thông tin, góc nhìn khác nhau, là những lát cắt, mảnh ghép giúp bạn đọc hiểu thêm về trang sử vàng dân tộc.
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L. |
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đường tới Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Hai cuốn sách là những ký ức về ngày tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường; những chiến công oanh liệt của quân và dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sách đưa bạn đọc trở về quá khứ hào hùng của dân tộc, khơi gợi những tìm tòi, khám phá lịch sử.
Vượt lên những trang hồi ức của một cá nhân, hai cuốn hồi ức của Đại tướng cho thấy ông vừa là nhân chứng, vừa là người tham dự vào những sự kiện ở tầm vĩ mô, những thời điểm có tính quyết định.
Điện Biên Phủ - trận thắng thế kỷ
Sách do Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo, chủ biên, tuyển chọn và biên soạn từ những công trình đã được ấn hành, trong đó có sử dụng nhiều tư liệu của các hãng thông tấn báo chí, của các nhà bình luận quân sự và nghiên cứu lịch sử nước ngoài.
Cuốn sách phản ánh hình thái chiến trường trước, trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954; công tác chuẩn bị, tinh thần quyết chiến, những quyết định mang tính chiến lược, chiến thuật sáng suốt của Đảng, quân đội và nhân dân để làm nên chiến công rạng rỡ non sông.
Khắc họa trận thắng thế kỷ, sách cũng thể hiện những gương chiến đấu anh dũng, mưu trí cũng như sự hy sinh và công lao to lớn của quân đội, nhân dân.
Thông qua các dòng hồi ký, bài nghiên cứu, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn tầm vóc vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Sách Người lính Điện Biên kể chuyện. Ảnh: Y. N. |
Người lính Điện Biên kể chuyện
Ông Đỗ Ca Sơn (sinh năm 1932 ở Hà Nội), là chiến sĩ Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về, đi học, rồi trở thành giảng viên tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Những câu chuyện về trận đánh năm xưa ông kể lại với bao lớp học sinh, được tập hợp trong cuốn Người lính Điện Biên kể chuyện (Đỗ Ca Sơn kể, Kiều Mai Sơn thể hiện, NXB Kim Đồng phát hành).
Kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên năm xưa, ông Đỗ Ca Sơn không nói về chiến thuật, cục diện, diễn biến. Ông chỉ nói về câu chuyện của mình cùng đồng đội - những người lính đánh cứ điểm đồi A1. Câu chuyện 38 ngày đêm chiến đấu dưới hầm hào đồi A1 được kể lại giản dị mà cảm động.
Ở đó có câu chuyện về chàng trai Hà Nội mang nỗi nhớ nhà đi chiến dịch, có câu chuyện về sự tiến công, chiến đấu anh dũng.
Ở đó cũng có những chuyện tưởng chừng nhỏ như nắm cơm lẫn vị bùn, chuyện 38 ngày đêm chiến đấu dưới hào không được tắm, đánh răng, rửa mặt.
Ở đó cũng có những nỗi đau thắt lòng khi ôm xác đồng đội, có hạnh phúc khôn tả trong giờ phút chiến thắng, lên khỏi hầm và vỡ òa trong ánh nắng của ngày hè lịch sử.
Qua câu chuyện của người lính Điện Biên năm xưa, người đọc, nhất là thế hệ trẻ có thể hiểu hơn những hy sinh của thế hệ cha ông cho cuộc sống hôm nay.
Điện Biên Phủ 13/3-7/5/1954
Chiến dịch Điện Biên Phủ là một đề tài nghiên cứu của một số học giả nước ngoài. Ivan Cadeau - sĩ quan và nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương, hiện làm việc tại Ban Lịch sử Bộ quốc phòng Pháp - đã tìm hiểu tư liệu trong 7 năm để viết cuốn Điện Biên Phủ 13/3-7/5/1954.
Sách viết về sự kiện Điện Biên Phủ thông qua các tài liệu của Pháp. Năm 1954, quân đội Pháp tham gia trận đánh cuối cùng được bày binh bố trận tại Điện Biên Phủ.
Về phía Pháp, chiến dịch thất bại này vừa đẩy nhanh sự chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương vừa đặt dấu chấm hết cho một đế quốc.
Thất bại của Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã tạo nên cơn chấn động thực sự, đồng thời đánh thức nhận thức của dư luận Pháp.