Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điện Biên Phủ - tấn bi kịch với binh lính Pháp

“Điện Biên Phủ là thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp trước một đối thủ dũng cảm”, nhà nghiên cứu lịch sử Ivan Cadeau viết.

Hơn 60 năm đã qua đi, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được các học giả trong nước và nước ngoài nghiên cứu. Năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức đoàn đi tìm hiểu, sưu tầm tài liệu tại Cục lưu trữ Pháp. Đây là những tài liệu mới được giải mật từ năm 2016, đã được giới thiệu tại triển lãm ở Điện Biên mới đây.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam - kể, trong quá trình đi tìm tài liệu, cán bộ của viện được tiếp cận cuốn sách Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954. Tác giả cuốn sách - Ivan Cadeau - là sĩ quan và nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương, hiện làm việc tại Ban Lịch sử Bộ quốc phòng Pháp.

“Nhận thấy đây là cuốn sách cung cấp tài liệu quý, chúng tôi đã làm việc mua bản quyền với NXB Tallandier của Pháp, tổ chức dịch, hiệu đính. Sau khi ra mắt, cuốn sách sẽ được tặng cho các thư viện, bảo tàng… phục vụ nghiên cứu”, ông Đặng Thanh Tùng nói.

Dien Bien Phu duoi goc nhin nguoi Phap anh 1
Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954 mới phát hành tại Việt Nam (trái) và bản tiếng Pháp cuốn sách. Ảnh: LT.

Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954 viết về sự kiện Điện Biên Phủ thông qua các tài liệu của Pháp. Cuốn sách được chia làm 7 chương: Một lối thoát danh dự; Chiến dịch mùa thu 1953; Anne Marie (Bản Kéo), Béatrice (Him Lam), Gabrielle (Độc Lập) và một số cứ điểm khác; Đó là cho ngày mai; Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến năm ngọn đồi; Tạm biệt bạn già.

Trong cuốn sách, tác giả Ivan Caedeau viết Điện Biên Phủ “thực sự là tấn bi kịch với những binh lính Pháp, những người trú ẩn trong căn hầm được đào sâu trong lòng các ngọn đồi được đặt tên theo những người phụ nữ, trải qua nhiều trạng thái đan xen, từ tin tưởng tuyệt đối đến ủ rũ, từ hy vọng đến tan vỡ ảo tưởng, cho đến một chung cuộc cuối cùng”.

Năm 1954, quân đội Pháp tham gia trận đánh cuối cùng được bày binh bố trận tại Điện Biên Phủ. Về phía Pháp, chiến dịch thất bại này vừa đẩy nhanh sự chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương vừa đặt dấu chấm hết cho một đế quốc. Thất bại của Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã tạo nên cơn chấn động thực sự, đồng thời đánh thức nhận thức của dư luận Pháp.

Dien Bien Phu duoi goc nhin nguoi Phap anh 2
Tác giả Ivan Cadeau. 

“Trong khi cuộc chiến Đông Dương vẫn còn xa lạ với người dân, họ chợt nhận ra rằng, từ chín năm nay, nước Pháp đã tham chiến ở vùng Viễn Đông và rằng hàng ngàn binh sĩ của họ đã chết ở đó, trong bùn của những cánh đồng Nam Kỳ hay trong các cánh rừng rậm trên những dãy núi thượng du Bắc Kỳ”, trích Lời nói đầu trong sách.

“Việc mất đi 15.000 binh sĩ dưới sự chỉ huy của tướng De Castries đối với tất cả người dân Pháp là cú sốc tâm lý xảy ra trong bối cảnh không thuận lợi để tiếp tục cuộc chiến”, tác giả Ivan Cadeau viết trong sách.

Do tiếp cận với nguồn tư liệu của quân đội Pháp, sách có nhiều con số cụ thể về số lượng lính nhảy dù, khối lượng đạn dược của Pháp đưa vào Tây Bắc, vũ khí mà quân Pháp sử dụng, lực lượng lính Pháp ở Điện Biên.

Ivan Cadeau cho biết ông tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ hơn bảy năm nay. Đã có nhiều cuốn sách về Điên Biên Phủ, nhưng đó là tác phẩm văn học, hoặc tác phẩm báo chí qua lời kể của cựu binh. "Còn tôi viết từ tài liệu lịch sử, để giải quyết cho câu hỏi tại sao quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ”, Ivan Cadeau nói. 

Ai đã kéo cờ tại lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ?

Trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại cánh đồng Mường Phăng ngày 13/5/1954, có tới hai chiến sĩ được vinh dự kéo cờ.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm