Thẩm phán Valerie Caproni phê phán cách diễn giải mới của chính quyền Trump về thế nào là “giết hại” chim theo Luật Hiệp ước Chim Di trú. Chính quyền Trump cho rằng chỉ có hành vi “giết hại” nếu việc làm chết các đàn chim là cố tình.
Theo Washington Post, Luật Hiệp ước Chim Di trú được ban hành năm 1918 sau khi một số loài chim bị tuyệt chủng. Việc thay đổi cách diễn giải như trên của chính quyền Trump đa phần làm lợi cho các công ty dầu khí, vốn là ngành phải trả phần lớn tiền phạt cho các vi phạm.
Theo cách diễn giải mới của chính quyền, ngay cả BP, công ty chịu trách nhiệm cho thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon năm 2010 ở Vịnh Mexico làm 1 triệu chim chết, cũng không phải trả tiền phạt.
Tương tự, nếu một chủ đầu tư phá hủy các tổ chim quý vì không kiểm tra kỹ trước khi xây dựng, họ cũng không thể bị phạt như vẫn bị trong nhiều thập kỷ nay. Hay một công ty dầu khí không che phủ bể chứa nhựa đường, để chim chóc bay vào, mắc kẹt, cũng không thể bị phạt như nhiều thập kỷ nay.
Luật Hiệp ước Chim Di trú bảo vệ nhiều loài chim, như loài đại bàng đầu trắng (trong ảnh) tại Khu bảo tồn Quốc gia Blackwater ở Cambridge, Maryland. Ảnh: Washington Post. |
Chính quyền yêu cầu phải chứng tỏ hành vi làm chết chim chóc là cố ý thì mới có thể phạt.
Việc thay đổi quy định như trên của chính quyền Trump đảo ngược nhiều thập kỷ nỗ lực bảo vệ các loài chim di trú của các chính quyền tiền nhiệm, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Nhưng Thẩm phán Caproni bác bỏ điều này, thậm chí còn trích dẫn từ tiểu thuyết Giết con chim nhại của tác giả Harper Lee, tác phẩm thuộc dạng bán chạy nhất thế giới và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ.
“Giết hại chim nhại không chỉ mang tội, mà còn vi phạm luật”, bà Caproni viết trong phán quyết. “Đó là tinh thần của đạo luật này trong cả thế kỷ qua”.
“Nếu Bộ Nội vụ Mỹ được như ý mình, nhiều loài chim nhại và chim di trú vốn mang tới cái đẹp cho con người và hỗ trợ hệ sinh thái trên cả nước sẽ bị giết hại, mà không ai phải chịu hậu quả”.
“Đây là chiến thắng to lớn cho các loài chim, tại thời điểm quan trọng”, Sarah Greenberger, từ Hội Audubon Quốc gia (Mỹ), tổ chức chuyên về bảo tồn chim, cho biết trong một thông cáo. “Khoa học cho thấy chúng ta đã mất 3 tỷ con chim trong khoảng thời gian chưa bằng một đời người, và 2/3 số loài chim Bắc Mỹ đang có nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu”.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã nỗ lực nới lỏng nhiều quy định lâu năm về bảo vệ môi trường, cho rằng chúng gây rườm rà, cản trở công nghiệp. Nhưng gần đây, các thay đổi này liên tiếp gặp thất bại ở tòa án, theo Washington Post.