Theo Guardian, phát hiện này diễn ra sau khi các nhà khoa học để ý tới những vệt màu nâu đỏ mà chim cánh cụt để lại trên băng. Một vệ tinh mới với độ phân giải cao giúp họ có những bức ảnh rõ nét hơn và nhận ra quần thể chim cánh cụt vốn không hiện rõ trên những bức ảnh có độ phân giải thấp trước đây.
Hai trong số quần thể mới khiến các nhà khoa học bất ngờ vì chúng được phát hiện cách xa bờ biển, sống hoàn toàn trên băng ở một địa điểm chưa từng được phát hiện trước đây.
Những quần thể mới được cho là có số lượng vài trăm con, nhỏ hơn so với kích cỡ trung bình, vì vậy phát hiện lần này chỉ giúp tăng số lượng cá thể chim cánh cụt hoàng đế được biết đến lên khoảng 5-10%
Chim cánh cụt hoàng đế là loài duy nhất sinh sản trên mặt băng chứ không phải đất liền, khiến chúng đặc biệt tổn thương trước khủng hoảng khí hậu. Tất cả quần thể mới phát hiện đều nằm trong khu vực có nguy cơ băng tan và các nhà khoa học cảnh báo về một thảm hoạ sẽ xảy ra với loài này khi việc nóng lên toàn cầu ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến Nam Cực.
Ảnh vệ tinh với độ phân giải cao giúp các nhà khoa học phát hiện thêm các quần thể nhỏ hơn của chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực. Ảnh: BAS. |
"Các quần thể mới là một khám phá thú vị. Dù đây là tin tốt, chúng chỉ có kích thước nhỏ và tổng dân số chim cánh cụt chỉ tăng thêm hơn nửa triệu con", ông Peter Fretwell, đến từ đoàn khảo sát Nam Cực của Anh (BAS), chia sẻ.
"Những khu vực sinh sản mới đều nằm tại địa điểm được dự đoán xảy ra sự suy giảm của chim cánh cụt hoàng đế. Do đó, những con vật này có thể coi là 'hoàng yến trong mỏ than' - chúng ta cần theo dõi những khu vực này một cách cẩn thận, vì chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu", ông Philip Trathan, một thành viên khác từ BAS, cho hay.
Ông Fretwell cho biết một quần thể chim cánh cụt được phát hiện chỉ cách 180 km từ lục địa Nam Cực.
"Nhiều chuyên gia về chim cánh cụt khi nghe tin này đã tỏ ra hoài nghi, vì thông thường bạn sẽ thấy chúng ở bờ biển", ông Fretwell nói.
Chim cánh cụt hoàng đế cần một nền băng ổn định, gắn vào lục địa Nam Cực khoảng 9 tháng trong năm để sinh sản thành công.
Sentinel-2, vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), được phóng lên quỹ đạo vào tháng 6/2015 và có độ phân giải 10 mét, giúp cho phép tìm kiếm các quần thể chim cánh cụt nhỏ hơn, theo báo cáo của các nhà khoa học từ BAS trên tạp chí Remote Sensing in Ecology and Conservation.