Từ 7 tháng qua, y tá quân đội Abu Hassan điều trị cho những người Mosul tuyệt vọng về tinh thần và không còn gì về vật chất. Họ được chuyển đến từ nơi là tâm điểm cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Binh lính, phụ nữ và trẻ em thường run rẩy sợ hãi trước mặt Hassan. Họ chỉ mới thoát khỏi đụng độ đẫm máu trước đó vài giờ. Nhưng cậu bé 9 tuổi Mohamed thì không hề tỏ ra như vậy.
“Đó không phải một cậu bé bình thường, nó không hề sợ hãi”, Hassan nhận xét sau khi khám cho Mohamed, một trong những người cuối cùng rời Mosul hồi đầu tháng. “Tôi trò chuyện với nó, hỏi nó những câu kiểu như ‘Con thích làm gì khi lớn lên?’. Nó trả lời: ‘Con muốn làm lính bắn tỉa”.
“Tôi bị sốc”, Hassan kể với Guardian, “Đó không phải điều một đứa trẻ bình thường sẽ nói. Tôi còn hỏi ‘Bố con làm gì?’. Nó nói bố nó là vua của những tay súng bắn tỉa”.
Hassan được tiết lộ bố Mohamed là một nhân vật quan trọng. Các lực lượng Iraq tìm thấy cậu bé trong tầng hầm với vài chiến binh IS đã chết.
Lực lượng quân đội Iraq kiểm tra một ngôi nhà tại Mosul. "Trẻ em IS" thường bị hàng xóm xua đuổi ghét bỏ khi cha mẹ không còn. Ảnh: Reuters. |
'Mầm mống loài ma quỷ'
Kể từ khi lực lượng chống khủng bố giành lại được quyền kiểm soát thành phố lớn thứ 2 Iraq, số người bị bỏ lại từ tàn dư IS bắt đầu tăng lên.
Phải đến hàng nghìn trẻ em mất cha mẹ sau cuộc chiến. Một phần không nhỏ trong số chúng đã bị cướp đi sự ngây thơ mãi mãi. Đối với nhiều người trong xã hội, chúng là mầm mống của loài quỷ dữ, là thành phần đáng bị bỏ rơi, không xứng được hưởng những chăm sóc cơ bản. Các cơ quan viện trợ và hệ thống phúc lợi của nhà nước không muốn thừa nhận chúng.
Con của các phần tử thánh chiến IS sống bí mật trong các trại ở miền Bắc của Iraq, trong những ngôi nhà phía Đông Mosul và phía Bắc khu vực của người Kurd. Ở đó, chúng được đùm bọc bởi các gia đình, tình nguyện viên và một số ít tổ chức nhỏ không chính thức.
Mohamed được người đứng đầu Cơ quan về Phụ nữ và Trẻ em tỉnh Nineveh, Sukaina Mohamed Younes, tiếp nhận. Bà giúp cậu bé đoàn tụ với người chú ở Erbil, tránh xa người dân Mosul lúc nào cũng sôi sục ý định trả thù. Bà cho biết các gia đình ở những vùng trước đây nằm dưới sự chiếm đóng của IS phải đối mặt với những vấn đề quá lớn từ xã hội.
“Chúng tôi đã tiếp nhận hàng chục nghìn trẻ em mất cha mẹ từ Mosul”, bà nói, “75% là từ những gia đình có cha mẹ đứng trong hàng ngũ IS. Chúng tôi không có con số chính xác nhưng có thể khẳng định rằng 600 đứa trẻ mồ côi, con các phần tử IS, đang ở trong trại tị nạn Hammam al-Ali”.
Bà Younes cho biết thêm, hiện vẫn chưa có chương trình nào giúp giải quyết những trường hợp này, dù đã có đề nghị lên chính phủ. “Vấn đề là mọi người không chấp nhận những gia đình IS”, bà nói.
Iraq cũng gần như không hề có các dịch vụ điều trị tâm lý hoặc tâm thần. Vô số những tổn thương chiến tranh cứ thế hằn sâu vào tâm trí cả hai phía, thắng và bại trận.
“Có một vấn đề với trẻ em IS: sự trả thù”, bà Younes nói tiếp, “Những người bị ảnh hưởng, thậm chí mất cả gia đình vì IS, sẽ không bao giờ quên”.
Một gia đình tại phía Tây Mosul đổ nát. Nhiều người sinh con cho phiến quân IS phải chối bỏ mối quan hệ với những đứa trẻ để đảm bảo an toàn cho chúng. Ảnh: Reuters. |
Không lối thoát
Mohamed kể với Guardian một cách bình tĩnh về cuộc sống ở phía Tây Mosul, một trong những nơi chết chóc nhất thế giới, và là căn cứ cuối cùng mà IS cố thủ trước khi bị quét sạch khỏi thành phố.
Xen giữa những mô tả về bạo lực giết chóc, Mohamed cũng kể về những ký ức với cha. Em từng được cha đưa đến sân chơi, hay mua cho một chiếc xe đạp.
Chú của Mohamed phải giữ em khỏi người dân Mosul, đặc biệt là những cư dân khu phố ngày xưa Mohamed ở. Sau chiến tranh, với tất cả sự hỗn loạn và phẫn uất của những người sống tại khu vực nơi IS từng chiếm đóng, gần như không thể có hy vọng về bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ, hay bất cứ nỗ lực hòa giải nào.
Theo nhà nghiên cứu Belkis Wille của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, "trẻ em IS" được tòa án Iraq coi là người lớn.
“Khác biệt duy nhất là chúng không bị tử hình”, bà nói, “Người ta không cho rằng bạn là nạn nhân nếu bạn được IS tuyển mộ, dù bạn có thể chỉ là một đứa trẻ. Và họ sẽ không có bất kỳ chương trình nào giúp bạn phục hồi hay cải tạo từ quá khứ đó”.
Trong các trại nằm ở miền Bắc của Iraq, những góa phụ của các chiến binh IS, phần lớn là người nước ngoài, phải cố gắng che giấu quá khứ. Để tránh trở thành mục tiêu của định kiến xã hội, hoặc tệ hơn là những cuộc trả thù, họ phải gọi những đứa con mình sinh ra với các chiến binh IS là cháu gái, cháu trai. Nếu mối quan hệ máu mủ của họ bị công khai, họ chỉ có thể hy vọng “được” lưu đày.
Sự hòa giải là ngoài tầm với, nhưng bà Younes tin rằng việc phục hồi là khả thi đối với một bộ phận "trẻ em IS" Mosul. “Tôi tin những em trong độ tuổi từ 8 đến 12 sẽ dễ dàng trở lại bình thường. Còn thanh thiếu niên thì khó hơn nhiều, vì họ đã có một hệ tư tưởng mạnh mẽ”, bà nói.
“Không chỉ chính phủ Iraq cần tìm giải pháp giải quyết vấn đề này. Cộng đồng quốc tế cũng nên giúp chúng tôi”, bà Younes nói thêm. “Để giúp những đứa trẻ đặc biệt này phải có những người đặc biệt”.