Ứng xử của trẻ em có lúc, đáng để người lớn học hỏi. Ảnh: Kiddi. |
Từ hành động của trẻ con, người lớn có thể học được nhiều cách để xử lý tình huống.
Đương đầu với nghịch cảnh
Một buổi sáng, trên đường đến trường mẫu giáo, tôi dắt con trai nhỏ đến chơi ở công viên, ở đó vương vãi một số đồ chơi con nít dùng chung. Con trai tôi bắt đầu chơi đùa với chiếc xe tải nhựa và khi nó chuẩn bị di chuyển chiếc xe dọc theo lối đi mà nó đã định trong đầu, rõ ràng chẳng mấy chốc những đồ chơi vương vãi khác đã chắn lối nó.
Là một người lớn lý trí, phản ứng đầu tiên của tôi là nghĩ đến việc nhặt các đồ chơi chắn lối để nó có thể di chuyển chiếc xe tải theo quỹ đạo lý tưởng, nhưng con trai tôi thậm chí không nghĩ đến điều này. Thay vào đó, nó cứ nhặt chiếc xe tải lên, mang nó băng qua các đồ chơi khác và tiếp tục đi theo con đường thú vị của nó.
Hành động đó đã khiến tôi suy nghĩ về những gì người lớn chúng ta thường làm (hoặc không làm) khi có thứ gì đó cản đường dẫn đến mục tiêu hoặc hạnh phúc của chúng ta. Bạn có quá chú tâm vào những chướng ngại và những gì bạn nghĩ là cần làm để loại bỏ chúng không? Bạn có để cho các chướng ngại làm xao lãng sự tập trung vào mục tiêu tối thượng (tức là hạnh phúc) không?
Bởi lẽ việc tập trung vào chướng ngại - cho dù chúng ta nghĩ mình đang cố vượt qua - vẫn chỉ là tập trung vào chướng ngại mà thôi! Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta, giống như con trai tôi, cứ mải tập trung vào những gì ta muốn đạt được bất chấp hàng rào, chướng ngại và thách thức thường xuyên cản đường chúng ta?
Hãy nghĩ xem - tôi cho rằng chúng ta có thể thành công và tập trung hơn nữa vào thành quả tích cực; và cuối cùng tôi cho rằng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nữa. Hãy hỏi đúng các câu hỏi khi bạn gặp khó khăn:
Điều tốt nhất ở hoàn cảnh này là gì?
Tôi thu được những điều tích cực nào từ hoàn cảnh này?
Qua hoàn cảnh này tôi học được gì?
Làm sao tôi có thể trở thành người tốt hơn nhờ hoàn cảnh này?
Trong 10 năm nữa, hoàn cảnh này thật sự có ý nghĩa không?
So với những sự kiện tệ nhất đời, hoàn cảnh này tệ mức nào?
Cân nhắc những thông tin sau: 3 tỷ người sống dưới mức 2 đô la mỗi ngày. Mỗi ngày có 30.000 trẻ em chết vì những căn bệnh có thể ngăn ngừa được. 113 triệu trẻ em không được đến trường.
Giờ thì bạn thấy nó tệ cỡ nào? Hãy tự hỏi làm cách nào bạn có thể vận dụng ưu điểm của mình để vượt qua khó khăn? Bạn có đang tận dụng các nguồn lực sẵn có không?
Sống như trẻ lên năm
Một hôm, trong lúc đang viết cuốn sách này, tôi đi làm về hỏi con trai (khi đó năm tuổi): “Hôm nay con làm những gì?”. Nó trả lời điều gì đó đại loại như: “Con chơi ở công viên với Henry (bạn thân của nó) và Max”.
Muốn giữ cuộc trò chuyện kéo dài hơn, tôi hỏi tiếp: “Có vui không con?”. Nó liền trả lời “Sao không hả bố?” với vẻ không tin tôi lại hỏi một câu như vậy.
Ngạc nhiên vì câu trả lời giản dị của nó, tôi cười. Không đoán được phản ứng của tôi, nó lặp lại “Sao vậy, sao con không vui hả bố?”.
Giống như nhiều trẻ nhỏ khác, con trai tôi có một khả năng vui đùa tuyệt vời - thực tế là ở bất kể nơi nào, nó đều coi phần lớn các tình huống mà nó tiếp cận là cơ hội để vui chơi. Nó mong chờ mỗi ngày đều là một ngày vui, một ngày hạnh phúc.
Đúng là một cách tuyệt vời để tiếp cận cuộc sống nhỉ! Tôi biết là chúng ta (những người lớn) có những trách nhiệm và công việc, nhưng tôi không thể không tự hỏi rằng sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta tiếp cận mỗi ngày với thái độ tương tự thái độ con trai tôi.
Không phải “Tôi sẽ vui không?” mà “Sao không vui cơ chứ?”. Vì vậy, thỉnh thoảng hãy hành động như trẻ lên năm. Người lớn có khả năng phức tạp hóa mọi việc một cách đáng kinh ngạc và thường hình dung cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với mức cần thiết.
Hạnh phúc không phải là kết quả giải quyết các rắc rối, đó là một trạng thái tinh thần mà trong đó bạn đương đầu với các rắc rối trên đời này. Sao bạn không thử để xem điều gì xảy ra nhỉ?