Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trật tự thế giới ngày càng khó lường

Nghịch lý trong lòng châu Âu, mâu thuẫn giữa các nước lớn thuộc thế giới thứ 3 và mối quan hệ hợp tác lẫn đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc khiến trật tự thế giới mới khó định hình.

Sự đối đấu giữa Mỹ và Nga là một trong những rào cản
Sự đối đấu giữa Mỹ và Nga là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thiết lập trật tự thế giới mới. Ảnh: AP

Balahari Kausikan, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Singapore và hiện là một đại sứ, chia sẻ quan điểm của ông về trật tự thế giới trên Nikkei.

Hơn 1/4 thế kỷ đã trôi qua từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, song chúng ta vẫn gọi thời kỳ từ năm 1989 tới nay là "hậu Chiến tranh Lạnh" vì chưa tìm ra thuật ngữ thích hợp hơn. Nhiều người nói đó là giai đoạn không có định nghĩa.

Nếu thế giới không có cấu trúc, nhân loại sẽ không có lực lượng lãnh đạo. Và khi lực lượng lãnh đạo không tồn tại, thế giới sẽ không thể giải quyết những vấn đề cấp bách, hoặc giải quyết theo cách không hoàn hảo.

Sau Chiến tranh Lạnh, loài người từng trải qua một giai đoạn ngắn mà trong đó phương Tây đề ra mọi chuẩn mực cho thế giới. Giới học giả gọi đó là giai đoạn đơn cực ngắn thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Hậu quả từ ảo tưởng của phương Tây

Dù giai đoạn đơn cực diễn ra ngắn ngủi, song sự ảo tưởng của phương Tây trong giai đoạn ấy để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt tại Trung Đông - nơi hành động can thiệp của những thế lực bên ngoài đã phá nát trật tự trong khu vực. Phương Tây can thiệp vào Trung Đông để xây dựng nền dân chủ và nhân quyền theo góc nhìn của họ.

Sự chia tách tại Iraq và Syria đã gây xáo trộn thế cân bằng trong khu vực. Tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông ảnh hưởng tới toàn cầu và loài người sẽ còn cảm nhận nó trong nhiều năm nữa. Nhưng ảo tưởng về tiêu chuẩn dân chủ thống nhất trên toàn cầu vẫn chưa biến mất và tiếp tục cản trở nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới mới.

Mỹ vẫn dẫn đầu trong mọi chỉ số về sức mạnh, song rõ ràng Washington cần sự hỗ trợ để thực thi quyền lãnh đạo, giống như việc họ từng làm thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện nay các nước đều không thấy tầm quan trọng chiến lược để chấp nhận sự dẫn dắt của Mỹ.

Nghịch lý trong lòng châu Âu

Liệu châu Âu sẽ sát cánh cùng Mỹ? Cựu lục địa đang loay hoay với hàng loạt vấn đề của riêng họ. Liên minh châu Âu (EU) muốn trở thành khối thống nhất. Tuy nhiên, thực tế nó ra đời vì giới chính trị gia châu Âu sợ chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đức, nước lớn nhất EU.

Sự trỗi dậy của phong trào chống EU của phe cánh tả là một trong những biểu hiện của nghịch lý này, còn cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng Euro là một triệu chứng khác. Có lẽ giới tinh hoa châu Âu đã suy nghĩ phi thực tế khi kỳ vọng Hy Lạp hay Pháp tuân thủ những nguyên tắc tài chính của nước Đức.

Một vấn đề tồi tệ nữa là phần lớn người da vàng, da màu và Hồi giáo ở châu Âu đang chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử và tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao. Trên thực tế, họ là tầng lớp công dân hạng hai ở châu Âu. Tư tưởng không ổn định và thực tế khắc nghiệt khiến họ trở thành mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa cực đoan.

Loạt vụ tấn công ở Paris vào tháng trước là âm mưu của những "công dân châu Âu hạng hai". Làn sóng người tị nạn và di cư từ Trung Đông vào châu Âu sẽ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Để có thể tồn tại, EU sẽ phải giảm tham vọng của họ, định nghĩa lại sứ mệnh và có lẽ phải chấp nhận một số nguyên tắc tài chính của Đức. Nhưng ngay cả khi họ làm vậy, chính sách đối ngoại và an ninh chung vẫn là thứ không khả thi. Ngân sách quốc phòng trên toàn châu Âu đang giảm. Liệu EU có thể mở rộng quyền lực mềm mà không cần sức mạnh quân sự?

Tình trạng đồng sàng dị mộng của BRICS

Liệu khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) có thể sát cánh cùng Mỹ? Mặc dù phản đối trật tự hiện nay và hướng tới vị thế lớn hơn, BRICS chẳng có nhiều điểm chung để tăng mức độ gắn kết. Ngoài ra, họ cũng bất mãn với trật tự hiện nay bởi những lý do khác nhau, trong khi tham vọng của họ lại đối nghịch. Chẳng hạn, liệu Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc? Nga, Trung Quốc có thể tìm ra tiếng nói chung trong tham vọng của họ đối với Trung Á?

Bản thân Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều câu hỏi. Quan hệ Trung - Mỹ sẽ là một trong những cột trụ trung tâm của trật tự thế giới mới. Nhưng mối bang giao giữa Bắc Kinh và Washington là quan hệ của hai đối thủ cạnh tranh phụ thuộc lẫn nhau. Mâu thuẫn trong tư tưởng (vừa đối đầu, vừa hợp tác) là một trong những điểm nổi bật trong quan hệ Trung - Mỹ.

Trên quy mô toàn cầu, Trung Quốc vẫn chưa phải một cường quốc gánh vác những trách nhiệm tầm cỡ thế giới. Bắc Kinh hưởng lợi từ trật tự thế giới hiện tại, nhưng muốn có vị thế cao hơn và mong thế giới thừa nhận những lợi ích của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không vội vã hành động để cả hành tinh phải công nhận sức mạnh của họ. Bắc Kinh không có năng lực và cũng chẳng quan tâm tới việc thực hiện ý tưởng đó, ngay cả đối với Đông Á - sân sau của họ.

Xu hướng hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc

Mới đây Trung Quốc đề xuất "kiểu quan hệ mới giữa các cường quốc" nhằm trao cho Mỹ vai trò hợp pháp ở Đông Á. Song Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng những vấn đề ở châu Á nên được giải quyết bởi người châu Á.

Từ thực tế đó, có thể thấy cả Trung Quốc và Mỹ đều chưa biết họ muốn gì từ phía bên kia. Sự hoài nghi đã ngấm quá sâu vào quan hệ Trung - Mỹ, khiến việc tìm tiếng nói chung trở nên nan giải.

 Tình trạng nhập nhằng ở Đông Á khiến đa số quốc gia ở đây vừa cố gắng tối đa hóa lợi ích, vừa quan hệ khéo léo với các cường quốc. Không nước nào ở Đông Á muốn nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung Quốc. Trong giai đoạn mà cấu trúc toàn cầu và khu vực đang ở mức rất linh hoạt, ngả hẳn về một phe là quyết định nguy hiểm. Thành công sẽ mỉm cười với những nước biết cách thích nghi với tình trạng khó lường.

Ý đồ của Nhật khi xoay trục sang ASEAN

Nhật Bản có nhiều lý do để thắt chặt hơn quan hệ với các nước ASEAN, trong bối cảnh mối quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn có thể bùng phát.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm