Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo

Với việc được công nhận là xã đảo, Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) sẽ có thêm điều kiện phát triển theo hướng du lịch sinh thái, tận dụng tiềm năng vừa có rừng, vừa có biển.

Sáng 27/4, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng về việc công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới và công nhận xã Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện Cần Giờ, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế. Đặc biệt, với việc công nhận Thạnh An là xã đảo, người dân nơi đây sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách để nhanh chóng bắt kịp các xã khác của huyện.

Phát triển nhân lực gánh vác tương lai Cần Giờ

Tại buổi lễ, ông Phong nhắc lại sự kiện cuối năm 2020, khi cù lao Gò Gia thuộc xã Thạnh An được Chính phủ công nhận thuộc TP.HCM sau hơn 40 năm chồng lấn địa giới hành chính với tỉnh Đồng Nai. Giờ đây, việc Thủ tướng công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận xã đảo Thạnh An sẽ là dấu mốc mới để Cần Giờ phát triển hơn nữa.

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Cần Giờ dù xuất phát điểm khó khăn. Thu nhập bình quân của người dân năm 2020 đã tăng lên 63,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập của người dân xã Thạnh An đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% so với thu nhập bình quân huyện Cần Giờ.

"Đây là một thành tích rất đáng tự hào bởi lẽ xã đảo Thạnh An là vùng đất tách biệt với đất liền, nơi đầu sóng, ngọn gió, thường xuyên đối mặt với bão lụt và là vùng đặc biệt khó khăn của TP.HCM", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá.

xa dao Thanh An huyen Can Gio anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo lễ công bố. Ảnh: Thuận Thắng.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh Cần Giờ là huyện duy nhất có bờ biển dài, bãi biển rộng và chỉ cách trung tâm thành phố 50 km. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển Cần Giờ trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai.

Ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng, huyện Cần Giờ cần đột phá về nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Thành Phong mong muốn bên cạnh việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, địa phương cần phát triển nguồn nhân lực tại chỗ để gánh vác tương lai của Cần Giờ.

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo thành phố, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết việc công nhận xã đảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Thạnh An phát triển theo hướng du lịch sinh thái, tận dụng tiềm năng vừa có rừng, vừa có biển. Ông Dũng cho biết địa phương sẽ vừa bảo tồn, vừa phát triển Cần Giờ tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Thu nhập bình quân tăng gần 4 lần sau 10 năm

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, huyện Cần Giờ là địa phương có vị trí quan trọng, mang tính chiến lược của TP.HCM về kinh tế, quốc phòng với vị trí cửa ngõ hướng ra Biển Đông. Tiềm năng phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ của Cần Giờ rất lớn nhưng những khó khăn hiện hữu khiến Cần Giờ chưa tận dụng được lợi thế vốn có.

Ông Hồng cho biết với xuất phát điểm thấp, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện đảo chỉ đạt 15 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn này là 43,6%, chất lượng nguồn nhân lực thấp.

“Huyện đã xác định nâng cao thu nhập, nhu cầu vật chất, tinh thần người dân là nhiệm vụ cốt lõi. Cần Giờ cũng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, ưu tiên vốn cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học…”, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nêu các giải pháp đang thực hiện.

Sau gần 10 năm, từ 2010 đến cuối năm 2019, thu nhập của người dân Cần Giờ đạt hơn 59 triệu đồng/người/năm, gấp 3,9 lần so với năm 2010.

xa dao Thanh An huyen Can Gio anh 2

Nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trao quyết định cho lãnh đạo Cần Giờ. Ảnh: Thuận Thắng.

Xã Thạnh An nằm phía đông nam của TP.HCM, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ. Đơn vị hành chính này có diện tích hơn 13.000 ha. Tính đến hết năm 2019, xã Thạnh An có hơn 4.500 nhân khẩu, được xếp cấp xã loại II.

Nơi đây có mật độ dân cư cao, trên 5% người dân có thu nhập thấp, hầu hết là nhà ở chất lượng thấp, hệ thống hạ tầng còn hạn chế. Xã Thạnh An thường xuyên bị ngập do triều cường, chịu nhiều thiệt hại do mưa bão và áp thấp nhiệt đới.

Ngày 1/4, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/7. Với quyết định này, người dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại Thạnh An sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi.

Bí thư Nguyễn Văn Nên thăm Thạnh An trước ngày thành xã đảo

Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ niềm vui với người dân Thạnh An khi nơi này được công nhận là xã đảo.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm