Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trào lưu kéo chân tăng chiều cao của giới trẻ Ấn Độ

Ngày càng nhiều thanh niên Ấn Độ muốn phẫu thuật tăng chiều cao, chịu đau đớn và tốn kém, nhiều rủi ro về sức khỏe, để mong cơ hội việc làm tốt hơn hoặc người yêu xứng đáng.

Komal, 24 tuổi, chưa bao giờ kể với bạn bè việc cô thật sự đi đâu trong 6 tháng qua.

Suốt thời gian “ở ẩn”, cô đã đến gặp bác sĩ Amar Sarin chuyên về phẫu thuật chỉnh hình ở thủ đô New Delhi. Ông chính là người đã làm cho cô cao hơn 8 cm, sau một quy trình phẫu thuật liên quan tới việc phá vỡ xương chân và mang những thanh nẹp cho đến khi cô gái quê ở tỉnh Kota, miền tây Ấn Độ, có thể đi lại.

Bố mẹ Komal đã phải bán phần đất thừa kế để cô có thể tiến hành cuộc phẫu thuật. Đối với Komal, việc tăng thêm chiều cao rất đáng đồng tiền. “Giờ đây tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Trước kia tôi chỉ cao có 137 cm. Mọi người thường hay trêu chọc tôi và tôi chẳng thể nào tìm được một công việc. Hiện tại, em gái tôi cũng đang tăng chiều cao”, Komal nói.

Tại quốc gia mà chiều cao là nét hấp dẫn được coi trọng, Komal là một trong số rất nhiều thanh niên Ấn Độ lựa chọn phẫu thuật kéo dài chân, với mong muốn triển vọng về hôn nhân và nghề nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, phẫu thuật tăng chiều cao bằng cách hủy xương chân hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát ở Ấn Độ. Một rủi ro khác là nhiều bác sĩ đang thực hiện việc này lại rất thiếu kinh nghiệm.

keo chan tang chieu cao o An Do anh 1
Khung nẹp bó chân trong giai đoạn phẫu thuật kéo dài chi. Ảnh: AP

Nguồn gốc kỹ thuật “tăng chiều cao”

Theo báo Guardian, phẫu thuật kéo dài chân được một người đàn ông gốc Ba Lan tên là Gavriil Ilizarov khởi xướng vào thập niên 1950 tại thị trấn Kurgan (Liên Xô cũ). 

Ông từng bị xem như một lang băm, nhưng bỗng nổi tiếng sau khi phẫu thuật chỉnh hình cho nhiều người, bao gồm cả một nhà vô địch bộ môn nhảy cao ở Thế vận hội Olympic. Ilizarov chưa bao giờ nghĩ rằng kỹ thuật của ông được sử dụng cho mục đích làm đẹp, công việc của ông nhắm đến những người bị tai nạn hoặc những người sinh ra mà các chi có chiều dài không đồng đều.

Ngày nay, kỹ thuật Ilizarov gây nhiều tranh luận lại đang được các bác sĩ phẫu thuật ở khắp Ấn Độ sử dụng, dù họ đã bổ sung nhiều cải tiến để thực hiện nhanh hơn và ít gây đau đớn hơn. 

Từ lâu, Ấn Độ đã nổi danh về những bác sĩ có chuyên môn và chi phí điều trị thấp. Ngành du lịch kết hợp chữa bệnh ở Ấn Độ đạt doanh thu khoảng 3 tỷ USD, và phẫu thuật thẩm mỹ chiếm một phần lớn trong đó. Người nước ngoài đổ về Ấn Độ làm đẹp đến từ khắp nơi, như châu Âu hay châu Mỹ, vốn là nơi giá phẫu thuật có thể cao hơn gấp 5 lần.

keo chan tang chieu cao o An Do anh 2
Ảnh chụp X-quang về quá trình phẫu thuật tăng chiều cao. Ảnh: Guardian

Theo Guardian, Sarin là một trong số ít bác sĩ được thế giới thừa nhận về tay nghề ở Ấn Độ. Ông bắt đầu phẫu thuật kéo dài chân cách đây 5 năm và đã điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân. 30% trong số này là người Ấn Độ. 

“Đó là một xu hướng ngày càng gia tăng ở Ấn Độ. Tôi nhận gần 20 cuộc gọi mỗi ngày, với những câu như ‘Tôi muốn cao lên, tôi phải cao hơn’”, Sarin nói. Thậm chí, nhiều trường hợp quá khích và đe dọa tự tử nếu Sarin không đồng ý phẫu thuật cho họ, buộc vị bác sĩ phải nhờ cảnh sát can thiệp.

Nhiều rủi ro về sức khỏe

Một người đàn ông từng kéo dài chân vào năm 2015 cho biết, ông đã gặp ít nhất 20 bác sĩ trước khi quyết định tiến hành. “Nhiều bác sĩ mà tôi đã tiếp xúc chỉ mới thực hiện được 1 hoặc 2 lần trước đó, và một người chưa từng làm việc này. Tôi đã phải tìm kiếm suốt 1 năm đến khi tôi gặp đúng người uy tín để phẫu thuật”.

Tháng trước, Ủy ban Y đức ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, triệu tập những bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã mổ cho một người đàn ông 23 tuổi. Họ bị cáo buộc đã áp dụng “phương thức phẫu thuật khác thường”.

keo chan tang chieu cao o An Do anh 3

Những bệnh nhân phục hồi sau quá trình chịu đựng phẫu thuật kéo giãn chân. Ảnh:Guardian

Phần lớn các chuyên gia cho rằng phẫu thuật kéo dài chân vô cùng khó thực hiện, và có thể khiến một người trở thành tàn tật suốt đời.

Bác sĩ Sudhir Kapoor, chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật chỉnh hình Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích mọi người thực hiện phẫu thuật, trừ những trường hợp rất cá biệt. Những phẫu thuật này có nguy cơ để lại biến chứng rất cao.”

Bác sĩ Sarin cũng thừa nhận: “Đây là một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khó thực hiện nhất”.

Ông chỉ ra thực trạng là rất nhiều các bác sĩ ở nhóm này chỉ mất 1 hoặc 2 tháng tham gia học hỏi kinh nghiệm từ một bác sĩ khác mà không hề qua trường lớp, không hề có những khóa đào tạo bài bản nào.

Ngay từ đầu, Sarin cũng phải đấu tranh với vấn đề y đức. Dù đã phẫu thuật thành công cho hàng trăm người, ông thừa nhận: “Thật điên khùng khi làm điều này.”

“Tôi từng tự hỏi liệu những gì tôi đang làm có đúng không, nhưng rồi tôi thấy cảm xúc của họ tích cực hơn rất nhiều nên tôi đã quyết định tiếp tục. Bạn hầu như không thể nhận ra họ, còn các bệnh nhân thì vui mừng với vẻ bề ngoài mới”, Sarin nói.

Cuộc đua nhan sắc để tìm việc của giới trẻ Trung Quốc

Ngoài nỗ lực lấy những tấm bằng danh giá, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc sẵn sàng chi nhiều tiền cho các ca phẫu thuật thẩm mỹ để giành ưu thế trong quá trình tìm việc.

Bạch Dương (Theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm