Trong khi cả thế giới đang vật lộn với việc ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, các nghệ sĩ ở Triều Tiên lại có cách thể hiện tinh thần lạc quan rất khác biệt. Mới đây, Nicholas Bonner - người có nhiều kinh nghiệm tổ chức tour du lịch Triều Tiên - tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề văn hóa Triều Tiên. Ông đưa ra cái nhìn mới mẻ về nền hội họa độc đáo của nước này. |
"Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hội họa không đánh giá cao nghệ thuật của Triều Tiên, cho rằng đây chỉ là hình thức tuyên truyền của chính phủ", Beth McKillop, nghiên cứu viên cấp cao tại bảo tàng Victoria and Albert ở London, nói với Nikkei Asian Review. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn được quan tâm do sự săn đón của truyền thông toàn cầu, chuyên gia này cho biết. |
Các viện bảo tàng đang ra sức săn lùng những tác phẩm hội họa của Triều Tiên, nhưng không thuần túy để phục vụ mục đích nghệ thuật. "Hội họa Triều Tiên mang lại cảm giác xưa cũ, dư âm của một thời kỳ đã qua. Thay vì nhìn ngắm những chiếc ôtô thập niên 1950 ở Havana (Cuba), các tác phẩm này đưa người xem du hành vào quá khứ", bà McKillop chia sẻ. |
Ông Nicholas Bonner (giữa) thăm các nghệ sĩ tại Xưởng nghệ thuật Mansudae nổi tiếng của Triều Tiên. Ông Bonner là người đã giúp đưa các tác phẩm hội họa của Triều Tiên đến với giới mộ điệu. Ông cũng là người sưu tập sở hữu khoảng 1.000 tác phẩm hội họa Triều Tiên, bao gồm các tác phẩm hoàn thành từ những năm 1950. |
Dù đã đến Triều Tiên rất nhiều lần, ông Bonner cho biết vẫn còn nhiều khía cạnh ông chưa hiểu hết về quốc gia bí ẩn nhất thế giới này. "Người dân không thể hiện bản thân nhiều", ông nói và cho biết thêm các họa sĩ khi sáng tác phải bám sát những chủ đề được yêu thích, làm nổi bật các nhà lãnh đạo đất nước và thành tựu của họ. Trong các tác phẩm, người Triều Tiên luôn được khắc họa với nụ cười rất tươi - "giống như có luồng điện 100.000 volt xẹt qua cơ thể họ", ông Bonner nói đùa. |
B.G. Muhn, giáo sư hội họa tại Đại học Georgetown, Washington, cho biết phần lớn tác phẩm của Triều Tiên theo phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa thời Liên Xô cũ, phục vụ chủ yếu cho chính phủ. |
Tuy nhiên, giáo sư Muhn cho biết giới mộ điệu trên thế giới cũng quan tâm tới chosonhwa, phương pháp vẽ bằng mực phương Đông trên giấy gạo. Các tác phẩm này thường mô tả khung cảnh lịch sử và chủ đề công nhân trong môi trường lao động. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có nhiều tác phẩm hoành tráng, được thực hiện từ nhóm 1.000 nghệ sĩ của Mansudae Art - studio nghệ thuật lớn nhất thế giới. |
"Nghệ thuật hội họa của Triều Tiên đa dạng và phủ sóng rộng rãi hơn nhiều so với tưởng tượng của người ngoài", giáo sư Muhn nói và cho biết thêm hầu hết người sưu tập tranh Triều Tiên là người Trung Quốc, ngoài ra còn có số ít đến từ Hàn Quốc và châu Âu. Giá của những tác phẩm này cũng rất đa dạng, dao động từ 100 USD cho các bức nhỏ cho tới hàng trăm nghìn USD cho các tác phẩm lớn, mang ý nghĩa tư tưởng, giáo sư Muhn nói. |
Giá trị của các tác phẩm hội họa Triều Tiên được đánh giá cao hơn do tính khan hiếm. Phát triển theo hướng hoàn toàn khác biệt với thế giới, hội họa Triều Tiên có nét độc đáo rất riêng. "Không có nền hội họa ở nơi nào khác trên thế giới giống như ở Triều Tiên, đặc biệt là tranh chosonhwa", giáo sư Muhn nhận định. |