Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẽ tranh minh họa cho tác phẩm kinh điển

Một tác phẩm văn học có chất lượng không chỉ hấp dẫn bạn đọc bằng nội dung thú vị, lôi cuốn. Phần minh họa đặc sắc, cá tính cũng làm tăng thêm giá trị của những cuốn sách hay.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc làm mới các tác phẩm kinh điển bằng phần minh họa đặc sắc, ấn tượng không còn là điều xa lạ đối với các đơn vị xuất bản. Nhiều ấn bản sách đẹp của dòng văn học kinh điển, với phần minh họa và vẽ bìa đặc sắc, do các họa sĩ đương đại có tên tuổi thực hiện, khiến độc giả, đặc biệt là người trẻ, rất hào hứng.

Mới đây, cuộc tọa đàm “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm kinh điển Việt Nam” đã được tổ chức. Cuộc trò chuyện có sự tham gia của tiến sĩ - nhà phê bình Văn học Mai Anh Tuấn và họa sĩ Kim Duẩn, người minh họa và vẽ bìa cho rất nhiều tác phẩm kinh điển.

Minh hoa cho tac pham kinh dien anh 1

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn (bên phải), họa sĩ Kim Duẩn cùng MC Hà Trang trong buổi tọa đàm. Ảnh: Trạm Radio.

Cuộc gặp gỡ giữa ngôn từ và màu sắc

Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, minh họa cho văn chương chính là việc làm “sáng rõ” tác phẩm qua ngôn ngữ của hội họa. Bởi vậy, minh họa cho tác phẩm văn chương không đơn thuần là vẽ lại tác phẩm đó qua mô tả của nhà văn.

Người vẽ minh họa phải có được hai phẩm chất quan trọng, đó là đọc được lớp nghĩa văn học trong tác phẩm và phải có được khả năng sáng tạo. Do đó, nhà phê bình Mai Anh Tuấn coi những tác phẩm minh họa trong văn chương là kết quả của quá trình sáng tạo thực sự, có vai trò đồng sáng tạo với văn chương. Chúng ta không nên xem nó là sản phẩm đi sau văn chương.

Là họa sĩ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc vẽ bìa và minh họa cho các tác phẩm văn chương, Kim Duẩn cho rằng tùy từng tác phẩm văn chương, họa sĩ có thể chọn cách vẽ lại đúng như mô tả của nhà văn hay thêm những sáng tạo của bản thân vào bức tranh.

Dù minh họa các tác phẩm dành cho người lớn, hay truyện thiếu nhi, họa sĩ cũng phải đọc kỹ tác phẩm và phân bổ số lượng tranh minh họa sao cho hợp lý, không để các phần minh họa ở quá gần hoặc quá xa nhau. Họa sĩ còn phải lựa chọn các đoạn hoặc tình tiết đặc sắc để minh họa.

Minh hoa cho tac pham kinh dien anh 2

Ấn bản mới của tác phẩm Số đỏ, do họa sĩ Thành Phong vẽ minh họa, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Ảnh: Đông A.

Tranh minh họa mang đến cái nhìn mới về tác phẩm

Tuy nhiên, một số ý kiến còn trái chiều về việc minh họa sách. Những người này cho rằng việc minh họa sách sẽ “đóng đinh” hình ảnh trong đầu độc giả. Từ đó, nó làm mất đi khả năng sáng tạo của bạn đọc khi tiếp nhận văn bản. Ngoài ra, việc minh họa còn tiềm ẩn nguy cơ bóp méo giá trị của văn bản gốc.

Họa sĩ Kim Duẩn cho rằng các phần minh họa không hoàn toàn đóng khung hình ảnh của nhân vật theo ý họa sĩ. Khi vẽ minh họa, đặc biệt là trên báo, anh và các đồng nghiệp tránh vẽ chân dung nhân vật. Khi vẽ về nhân vật, anh thường chọn cách làm mờ hoặc ứng dụng luật xa gần, để không mang đến một hình ảnh quá rõ nét về gương mặt của nhân vật.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phủ nhận việc minh họa đẹp sẽ thu hút độc giả chú ý đến tác phẩm, nhất là khi các giá trị thẩm mỹ được chú trọng như hiện nay. Ngoài ra, qua các thời kỳ, việc vẽ minh họa còn thể hiện được những quan niệm thẩm mỹ của xã hội, cũng như cá nhân họa sĩ. Từ đó, chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về việc tiếp cận tác phẩm.

Với nhà phê bình Mai Anh Tuấn, việc nhân vật có bị “đóng đinh” trong một hình tượng nhất định hay không, không chỉ phụ thuộc minh họa, mà còn bị tác động bởi phim ảnh và nhiều loại hình sân khấu khác. Khi được chuyển thể sang bất cứ thể loại nào, nguyên gốc của tác phẩm cũng sẽ được tôn trọng.

Ví dụ như nhân vật Don Quixote của Miguel de Cervantes luôn được tái hiện với hình ảnh chàng hiệp sĩ gầy gò. Dù cho phần minh họa của tác phẩm được vẽ bởi Pablo Picasso, bậc thầy trong trường phái lập thể, ông vẫn tuân theo nguyên tác đó.

Minh hoa cho tac pham kinh dien anh 3

Tranh minh họa vẽ Don Quijote và Sancho Panza. Ảnh: Wikimedia Commons.

Bên cạnh đó, hội họa nói chung và tranh minh họa nói riêng, lại góp phần rất lớn trong việc kích thích trí tưởng tượng của độc giả về các bối cảnh văn hóa, lịch sử xuất hiện trong tác phẩm, nhưng đã ở khá xa thời đại chúng ta.

Một bản minh họa bộ tiểu thuyết Hồng lâu mộng được vẽ từ thế kỷ 18, tái hiện sinh động và đầy đủ nhà cửa và bối cảnh sinh hoạt thời bấy giờ. Nhờ vào phần minh họa đó, sau này, các nhà làm phim phục dựng chính xác bối cảnh của tác phẩm. Nhiều tiểu thuyết kinh điển Trung Quốc khác, cũng may mắn có phần minh họa đặc sắc, để phục vụ phần phục dựng bối cảnh.

Nếu phần minh họa được vẽ theo trường phái tả thực, chúng sẽ giúp độc giả hình dung một cách cụ thể hơn về tác phẩm và nhân vật. Nếu không có phần minh họa, chúng ta sẽ không tưởng tượng được những nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới hay Quan Công có hình dáng ra sao?

Những tranh minh họa hay tác phẩm điêu khắc gắn liền văn học kinh điển đã tạo ra “hình ảnh mặc định”, từ đó chúng ta tưởng tượng và xây dựng thêm về nhân vật. Nếu không có sự góp mặt của các tác phẩm nghệ thuật tạo hình đó, nhiều tranh cãi xem tạo hình nhân vật như thế nào mới là đúng.

Có lẽ, các bộ phim lịch sử, dã sử của Việt Nam, luôn xuất hiện nhiều tranh cãi cũng vì lẽ đó. Vì các tác phẩm kinh điển, gắn liền các thời kỳ lịch sử của văn học nước nhà, thiếu đi phần tranh minh họa.

Dẫu sao, giá trị của tác phẩm văn chương vẫn nằm ở ngôn từ. Minh họa chỉ góp phần làm cho những ngôn từ ấy sáng rõ hơn.

Xã hội lố lăng trong 'Số đỏ' qua nét vẽ Thành Phong

Ngôn từ trào phúng của Vũ Trọng Phụng kết hợp nét vẽ minh họa của Thành Phong tạo nên ấn bản "Số đỏ" hấp dẫn.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm